Đã là năm thứ 14 kể từ khi chuyển thành “giải bóng đá” chuyên nghiệp và là năm thứ 3 kể từ khi có công ty cổ phần riêng để quản lý nhưng có thể nói V-League vẫn là một giải đấu nghiệp dư “khoác áo chuyên nghiệp”.
Ngay cả việc đáp ứng các tiêu chí để được cấp phép theo tiêu chuẩn châu Á và đa số các CLB mang tiếng chuyên nghiệp của Việt Nam đều chưa thể hoàn thành trong 2 - 3 năm nữa. Điều đáng nói là rất nhiều CLB thiếu 2 thứ mang tính bắt buộc của một CLB nhà nghề: tiền và cầu thủ do mình đào tạo. Thiếu đến mức, có CLB đã xin giải thể dù đang được đá V-League.
Cái lạ là ở thời “bóng đá bao cấp” thì chẳng có đội nào thiếu 2 điều kiện đó cả, đơn giản vì sử dụng ngân sách của địa phương cho thể dục thể thao. Một trong những mục đích chính mà Nhà nước khuyến khích phát triển bóng đá chuyên nghiệp là để các CLB tự kiếm tiền hoạt động. Một khi không làm ra được tiền, đồng nghĩa là không phải chuyên nghiệp.
Ví dụ như tay vợt cầu lông Nguyễn Tiến Minh, mỗi năm thi đấu khoảng chục giải chuyên nghiệp, lấy tiền thưởng của giải nhỏ để làm kinh phí dự giải lớn. Vừa được thi đấu, vừa dư ra mỗi năm vài trăm triệu đồng “dưỡng già”. Hoặc kỳ thủ Lê Quang Liêm hiện thi đấu theo hợp đồng thời vụ cho 2 đơn vị nước ngoài, cũng dùng tiền đó để tham gia các giải đỉnh cao. Thắng có thêm tiền thưởng, thua thì có thêm điểm bổ sung hệ số Elo, tăng dần đẳng cấp. Rồi cũng không phải vô cớ mà tay vợt Lý Hoàng Nam được Công ty Becamex đầu tư tiền để đi thi đấu hàng chục giải lớn, bé khi mới 16 - 17 tuổi. Thi đấu càng nhiều, điểm tích lũy càng cao, mới có cơ hội được góp mặt ở những giải quần vợt nhà nghề, đồng nghĩa sẽ có thu nhập. Gần đây nhất là hiện tượng U.19 với nòng cốt là Học viện HA.GL - Arsenal đang làm người hâm mộ Việt Nam say mê. Nếu lứa cầu thủ này được CLB HA.GL sử dụng tại V-League mùa tới, chắc chắn đó sẽ là đội bóng được người hâm mộ quan tâm nhiều nhất, chưa kể đến nay đã có nhiều đơn vị “xếp hàng” để tài trợ cho CLB khi biết tin U.19 của HA.GL sẽ được đá ở V-League.
Nguyên tắc cơ bản của thể thao chuyên nghiệp nghe thì đơn giản nhưng đối với thể thao Việt Nam, đến nay đi dự Asiad 17 vào tháng 9 tới thì hết 90% sử dụng ngân sách nhà nước, chưa bao gồm ngân sách đào tạo tập huấn hàng năm. Đương nhiên là không dễ để có một nền thể thao chuyên nghiệp thực thụ. Nó yêu cầu sự nỗ lực vô cùng lớn và ý thức phấn đấu của những người làm thể thao rất cao. Vấn đề là Nhà nước đã tạo điều kiện cho thể thao chuyên nghiệp bằng những ưu đãi hết sức thiết thực, nhưng đến nay mọi thứ gần như vẫn giẫm chân tại chỗ.
Minh chứng rõ ràng nhất là môn bóng đá. Bài toán làm sao lấy được tiền từ người hâm mộ và các doanh nghiệp tài trợ đến nay vẫn chưa được giải quyết, khi bạo lực và tiêu cực đã làm mất lòng tin của những nguồn lực xã hội. Khán giả ngày càng ít đến sân, không quan tâm đến các trận đấu được phát sóng hàng tuần trên truyền hình, dù họ vẫn thích xem bóng đá phong trào, đam mê bóng đá nước ngoài và vẫn sẵn lòng mua vé vào sân. Nguyên nhân nằm ở chính những người làm bóng đá khi hầu như không đầu tư đúng đắn, dài hạn khiến sản phẩm của họ tạo ra là những trận cầu “bán không ai mua” vì quá kém chất lượng cũng như thiếu sự tiếp thị bài bản.
Không có nền thể thao phát triển nào lại tồn tại bằng ngân sách quốc gia. Nhưng tại Việt Nam, cứ một môn thể thao nào bị “đẩy” ra chuyên nghiệp là có nguy cơ sa sút thảm hại. Sự thụ động của người làm thể thao là căn bệnh kinh niên khiến cho “chiếc áo chuyên nghiệp” cứ mặc mãi không vừa.
VIỆT QUANG