Ngày 11-7, phản ứng trước một số trang mạng xã hội xuất hiện thông tin kêu gọi “tẩy chay” vaccine, không cho trẻ tiêm vaccine, hay hiện tượng “Anti vaccine”... vì nguy cơ tai biến, cũng như những biến chứng đối với sức khỏe, Bộ Y tế và nhiều chuyên gia dịch tễ khẳng định đây là những thông tin thất thiệt, không cơ sở khoa học và có nguy cơ gây ra những hậu quả vô cùng nguy hiểm đối với sức khỏe của người dân và cộng đồng.
PGS-TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế nêu rõ, thực tế đã chứng minh vaccine là một trong những thành tựu y học quan trọng nhất của thế kỷ 20 giúp con người khống chế và đẩy lùi được nhiều dịch bệnh nguy hiểm, hoặc làm giảm đáng kể số người mắc bệnh và tử vong.
Đối với Việt Nam sau hơn 30 năm triển khai Chương trình tiêm chủng mở rộng trên toàn quốc đem lại hiệu quả rõ rệt trong công tác phòng chống dịch bệnh, làm thay đổi về cơ bản cơ cấu bệnh tật ở trẻ em. Cụ thể, Việt Nam đã thanh toán bại liệt vào năm 2000, đạt mục tiêu loại trừ bệnh uốn ván sơ sinh vào năm 2005.
Không chỉ đem lại hiệu quả rất lớn về mặt sức khỏe, việc tiêm chủng vaccine cũng góp phần không nhỏ vào phát triển kinh tế - xã hội. Theo báo cáo của Viện Y tế Hoa Kỳ, cứ chi 1 USD cho tiêm chủng vaccine thì tiết kiệm được 21 USD.
Đại diện Cục Y tế dự phòng cũng cho biết, mặc dù việc tiêm chủng đã góp phần phòng ngừa, ngăn chặn được không ít dịch bệnh nguy hiểm nhưng thực tế phải thấy rằng nguy cơ bùng phát, tái phát, xâm nhập của các dịch bệnh vẫn tiềm ẩn rất cao, đe dọa sức khỏe của người dân, cũng như sự miễn dịch của cộng đồng nếu như chúng ta không sử dụng vaccine để phòng ngừa.
PGS-TS Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cảnh báo, nếu trẻ em không được tiêm chủng vaccine, tiêm không đầy đủ hoặc tiêm chủng muộn sẽ rất nguy hiểm dẫn đến trẻ có nguy cơ cao bị mắc bệnh do không có miễn dịch bảo vệ. Trong quá trình thực hiện tiêm chủng thời gian qua đã có một số nơi, một số thời điểm tỷ lệ tiêm chủng thấp và dịch bệnh nghiêm trọng đã xảy ra như: dịch sởi, bạch hầu, ho gà, viêm não Nhật Bản... cướp đi sinh mạng của nhiều trẻ em. Điều này càng cho thấy rằng nếu trẻ em không được tiêm chủng thì nguy cơ dịch bệnh quay trở lại là rất lớn, gây nguy hiểm cho sức khỏe trẻ em và toàn thể cộng đồng.
Trước những thông tin cho rằng, chất lượng vaccine không bảo đảm, việc tiêm vaccine gây tai biến cho sức khỏe, PGS-TS Trần Đắc Phu nhấn mạnh, cũng giống như thuốc, tất cả các loại vaccine đều phải đảm bảo được tính an toàn và hiệu lực cũng như phải trải qua quá trình kiểm định nghiêm ngặt mới được đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, giống như thuốc, không có một loại vaccine nào dù tốt đến đâu có thể đảm bảo an toàn tuyệt đối như mong muốn vì tiêm vaccine tức là đưa một kháng nguyên lạ vào trong cơ thể.
Thông thường mỗi người có phản ứng với vaccine ở các mức độ khác nhau và hầu hết chỉ có các phản ứng nhẹ như: sốt, sưng đau tại chỗ tiêm và tự khỏi trong vòng 24 giờ. Tuy nhiên cũng có một số rất ít cơ thể lại có phản ứng mạnh với vaccine như: sốt cao, co giật, quấy khóc kéo dài, tím tái, thậm chí là sốc phản vệ và tử vong. Do đó, trong thực tế, nhiều trường hợp tiêm cùng một lô vaccine, thậm chí tiêm cùng 1 lọ vaccine lại có trẻ có phản ứng rất nghiêm trọng, trong khi nhiều trẻ khác hoàn toàn bình thường và đó là do phản ứng cá thể cơ địa của từng người với vaccine chứ không phải do chất lượng vaccine
TPHCM tăng cường phòng chống bệnh viêm não Nhật Bản
Trước thực trạng bệnh viêm não Nhật Bản có xu hướng tăng cao, ngày 11-7, Sở Y tế TPHCM đã gửi văn bản chỉ đạo các đơn vị y tế dự phòng, điều trị của TP phối hợp triển khai công tác phòng, chống bệnh viêm não Nhật Bản tại các cơ sở y tế trên địa bàn TP.
Theo đó, Sở Y tế yêu cầu các đơn vị liên quan tổ chức các đợt truyền thông về các biện pháp phòng, chống bệnh viêm não Nhật Bản; giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh viêm não Nhật Bản, kịp thời khoanh vùng, xử lý triệt để ổ dịch ngay khi phát hiện. Bên cạnh đó, yêu cầu các cơ sở y tế có tổ chức tiêm chủng rà soát đối tượng trẻ em từ 1 - 15 tuổi về số lượng mũi tiêm vaccine để có kế hoạch tiêm bổ sung đủ, thực hiện tốt tổ chức tiêm phòng vaccine viêm não Nhật Bản cho trẻ em trong độ tuổi tiêm chủng theo hình thức tiêm chủng thường xuyên đạt tỷ lệ cao, đủ mũi và đúng lịch tiêm chủng.
Dự kiến, trong tháng 8 tới, Sở Y tế sẽ tập huấn cách phát hiện bệnh, cấp cứu, chuyển viện kịp thời khi thấy bệnh nhân có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh viêm não Nhật Bản cho các cán bộ trạm y tế.