Lập hội để ghét
Anti fan được hiểu là nhóm người không thích thậm chí là chống đối một điều gì đó. Thông thường cụm từ này thường để chỉ những người bày tỏ thái độ không thích một nghệ sĩ hoặc một người nổi tiếng nào đó trong lĩnh vực nghệ thuật.
Anti fan không phải là câu chuyện mới, tuy nhiên sau những ồn ào giữa một hoa hậu chuyển giới với nhóm anti fan hơn 110.000 tài khoản theo dõi, hàng loạt các nhóm anti nghệ sĩ được lập ra và hoạt động mạnh mẽ. Từ: Anti nữ hoàng đạo lý H.G, Anti chị D, Anti nhà văn G, Anti MC quốc dân - thánh cry - MC ngôn tình, Anti fan có tâm, Anti MC thích nói đạo lý - MC thích nói đớt, Anti CEO M.L…
Thậm chí các nhóm này không chỉ có một mà còn lập thêm vài nhóm nữa để dự phòng trường hợp bị mất quyền kiểm soát như: Anti nữ hoàng đạo lý (group dự phòng), Anti K (group phụ nhưng chửi chính), Anti chị D (group phụ phòng khi group chính bị sập)… Bên cạnh những nghệ sĩ trong nước, có hàng loạt các nhóm anti một số nghệ sĩ các nước như Trung Quốc, Hàn Quốc thậm chí lập nhóm fan nghệ sĩ này để tuyên chiến với nhóm fan nghệ sĩ khác.
Lượng thành viên tham gia các nhóm này từ vài ngàn đến hơn 120.000 thành viên, số bài viết được thống kê trung bình mỗi ngày ở nhóm hoạt động sôi nổi nhất là khoảng 160 bài viết/ngày. Để tham gia vào các nhóm này, người dùng mạng xã hội phải trải qua các câu hỏi khảo sát và cam kết tuân theo quy định của nhóm thì mới được xét duyệt. Như nhóm ghét nghệ sĩ này thì không được bình luận hoặc viết bài nhắc tên nghệ sĩ khác, các thành viên không được bình luận chửi bới hay gây lộn với nhau…
Trên các trang này, với lời giới thiệu kiểu “Ghét không cần lý do”, đăng tải video được dựng lại, cố ý đưa ra những khoảnh khắc xấu nhất của nghệ sĩ đang bị ghét hoặc chế ảnh để châm biếm. Các bài viết bóc phốt, kể xấu hoặc những chuyện phía sau hậu trường của nghệ sĩ… được đăng đàn liên tục. Phía dưới các bài viết là bình luận hưởng ứng, dĩ nhiên thông tin đăng tải là không thể kiểm chứng, ghét thì đăng thôi!
Ghét cũng hái ra tiền
Những lời lẽ từ nói xấu, châm biếm đến miệt thị, xúc phạm… người đang bị ghét là điều dễ thấy ở các nhóm này. Phần lớn thành viên trong nhóm anti là người trẻ và đa phần vào nhóm vì tò mò, hóng chuyện nhiều hơn. Nguyễn Thanh Nguyên (22 tuổi, ngụ quận Tân Phú, TPHCM) kể: “Tôi thỉnh thoảng có tham gia vào các nhóm này, mặc dù không ghét nghệ sĩ nào. Vì tò mò những chuyện được kể trong nhóm, nên tôi tham gia vào để đọc thôi, đôi lúc thấy cũng vui”.
Tham gia vào nhóm anti cũng là một cách quảng cáo hiệu quả việc bán hàng online. Bình luận hưởng ứng theo các bài viết nói xấu, bóc phốt… hoặc chia sẻ nhiệt tình video, ảnh chế của nghệ sĩ đang bị ghét, lập tức trở thành tài khoản “thân thiện” trong các nhóm. Và phía dưới các bài viết trong nhóm, những tài khoản “thân thiện” sẽ được thành viên quản trị du di cho vài bình luận giới thiệu hàng online. “Chịu khó bình luận, chia sẻ hình ảnh, từ từ sẽ quen được nhiều thành viên khác và được duyệt bình luận giới thiệu sản phẩm. Tham gia cho vui, mà tôi cũng chốt được vài đơn hàng rồi”, L.N.H. (bán hàng mỹ phẩm online) cho biết.
Khi số lượng thành viên các nhóm anti fan lên đến vài ngàn thì câu chuyện nói xấu nghệ sĩ giảm hẳn và các nhóm cũng chuyển nội dung hoạt động. Để giữ chân thành viên, các bài viết tư vấn chuyện tình cảm, gia đình xuất hiện, vì đây là đề tài thu hút khá nhiều bạn trẻ; hoặc các bài viết mang tính kết đôi cho những ai đang độc thân cũng được ủng hộ nhiệt tình. Tiếp sau đó, những bài viết bán hàng, giới thiệu sản phẩm ngày càng nhiều. Và một số nhóm, lượng thành viên lên đến hơn trăm ngàn người, muốn đăng bài giới thiệu sản phẩm, người dùng phải trả một mức phí thì quản trị nhóm mới duyệt bài.
Anti fan sẽ không phải là câu chuyện xấu nếu những ý kiến trái chiều, chừng mực, giúp nghệ sĩ hoàn thiện dần những sản phẩm âm nhạc, phim ảnh… Tuy nhiên, việc đồng loạt lập các nhóm ghét nghệ sĩ, nói xấu hay nặng nề hơn là chửi bới, thì đó là một hành động rất xấu xí. Phải chăng một bộ phận bạn trẻ quá rảnh rỗi hay họ có một ý đồ nào khác?
Để có thể quản lý được các nhóm này là điều không dễ với cơ quan chức năng, bởi chỉ cần vài thao tác có thể lập ngay một hội ghét ai đó, nếu bị đánh sập thì cũng dễ dàng lập lại. Vài câu chuyện thực thực hư hư sau hậu trường cũng đủ để thu hút vài ngàn tài khoản tham gia vì tò mò. Cứ thế mà các hội nhóm này vẫn hoạt động một cách trơn tru, không thể quản lý.
Như một cuộc “chuyển nhượng ngầm” giữa các thành viên lập ra những nhóm anti nghệ sĩ, sau khi thu hút số lượng thành viên đáng kể, từ việc nói xấu nghệ sĩ này sẽ chuyển sang hạ bệ một nghệ sĩ khác. Và cũng không loại trừ những chiêu trò truyền thông “bẩn” để hạ danh tiếng lẫn nhau. Khi ê kíp của nghệ sĩ này không ngại ra mặt thì các nhóm anti chính là công cụ để họ bắt đầu tung chiêu. Họ chỉ cần đưa bài viết, hình ảnh, video… bóc phốt nghệ sĩ khác vào các nhóm thì tốc độ chia sẻ thông tin sẽ nhanh hơn bao giờ hết, tăng dần theo cấp số nhân và chiêu trò truyền thông hạ bệ nhau hoặc kế hoạch giải cứu truyền thông cũng sẽ bắt đầu… |