Theo kế hoạch, Bộ trưởng Thương mại Anh Anne-Marie Trevelyan sẽ triển khai một cuộc tham vấn kéo dài 14 tuần, kêu gọi công chúng và các doanh nghiệp chia sẻ ý kiến, đề xuất về nội dung thỏa thuận trong tương lai với 6 quốc gia thành viên là Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Oman, Qatar, Kuwait và Bahrain.
Nếu tiến triển tốt, đây được coi là bước tiến trong các mối quan hệ như Anh đã từng có được khi còn là thành viên của Liên minh châu Âu (EU). Anh hiện có các mối quan hệ chiến lược và quân sự thân thiết với các quốc gia vùng Vịnh, đồng thời kim ngạch trao đổi thương mại của London với khu vực này trong năm ngoái ước đạt hơn 30 tỷ bảng Anh (gần 40,8 tỷ USD). Hãng tin Reuters dẫn lời bà Trevelyan nhấn mạnh, giới chức Anh mong muốn một thỏa thuận hiện đại, toàn diện, phá vỡ các rào cản thương mại đối với một thị trường thực phẩm và đồ uống lớn; đồng thời kỳ vọng thỏa thuận có tính bao trùm trên nhiều lĩnh vực để từ đó tạo được nhiều việc làm.
Chính phủ Anh đang phát động một chiến dịch toàn cầu nhằm thu hút các đối tác thương mại nước ngoài. Tháng 6 vừa qua, Anh bắt đầu đàm phán để tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), hướng tới các nền kinh tế xa hơn về mặt địa lý nhưng có tốc độ phát triển nhanh, giúp xứ sở sương mù tiếp cận sâu hơn với các thị trường tiêu dùng rộng lớn ở châu Á - Thái Bình Dương. Trước đó, cuối tháng 5, Chính phủ Anh tiếp nhận ý kiến đóng góp từ công chúng về thỏa thuận thương mại với Ấn Độ trong khoảng thời gian 14 tuần, sau khi quý đầu tiên của năm 2021, xuất khẩu sang Ấn Độ đã tăng 23% so với cùng kỳ năm trước. Năm 2018, chính phủ Anh đã thành lập một nhóm chuyên trách về tài chính xuất khẩu của Vương quốc Anh tại UAE và dành sẵn gói hỗ trợ tài chính trị giá hơn 30 tỷ bảng Anh cho các dự án khác nhau ở Trung Đông. Đến nay, các bộ trưởng và nhà ngoại giao vẫn đang nỗ lực tạo cơ hội cho các công ty của Vương quốc Anh thâm nhập các thị trường vùng Vịnh.
Bên ngoài EU, GCC là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Vương quốc Anh sau Mỹ. Hậu Brexit (Anh rời khỏi EU), chiến dịch tăng tốc xoay trục khỏi châu Âu của Anh ngày càng rõ rệt.