Hy vọng sẽ đạt được thỏa thuận
Sau khi kết thúc cuộc điện đàm kéo dài 90 phút, ngày 7-12 (giờ địa phương), lãnh đạo hai bên đã ra thông cáo chung cho biết “một cuộc họp quan trọng sẽ được diễn ra trong vài ngày tới”. Theo các nguồn tin từ EU và Anh, nhiều khả năng cuộc họp này sẽ diễn ra vào ngày 9-12 tại Brussels. Báo chí Anh cho biết, Thủ tướng Boris Johnson sẽ tới Brussels để gặp Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen.
Theo nguồn tin từ Văn phòng Thủ tướng Anh, cuộc họp giữa hai lãnh đạo Anh và EU là rất quan trọng để đi đến quyết định Brexit có thỏa thuận hay không. Cuộc họp cũng làm dấy lên hy vọng thỏa thuận về thương mại và an ninh hậu Brexit giữa Anh - EU có thể sẽ đạt được.
Thông cáo chung cho thấy lãnh đạo Anh và EU nhất trí cho rằng những điều kiện để thông qua được thỏa thuận hiện nay chưa đạt được do hai bên vẫn còn tồn tại những khác biệt trên 3 vấn đề chính: sân chơi bình đẳng, quản trị và đánh bắt cá. Do vậy, hai đoàn đàm phán cần xem xét, đánh giá lại những tồn tại khác biệt giữa hai bên.
Cùng ngày, trưởng đoàn đàm phán EU, ông Michel Barnier, đã nói với các nghị sĩ EU “đàm phán đã gần đến hồi kết” và cảnh báo ông sẽ không tiếp tục họp với Anh sau ngày 9-12. Cả Anh và EU đều cần có thời gian để quốc hội hai bên thông qua bất cứ thỏa thuận nào mà đoàn đàm phán hai bên đạt được.
Theo Văn phòng Thủ tướng Anh, Hạ viện nước này sẽ bỏ phiếu thông qua thỏa thuận Brexit vào ngày 9-12. Một nhà ngoại giao cấp cao EU cho biết, EU sẵn sàng tiếp tục thảo luận với Anh để có thể đạt được một thỏa thuận công bằng, bền vững và cân bằng cho công dân của EU và Anh.
Hậu quả của Brexit cứng
Lo lắng về các cuộc đàm phán thương mại Brexit đã khiến bảng Anh giảm 1%. Nhưng các ngân hàng đầu tư vẫn hy vọng Anh và EU đạt được thỏa thuận trước thời hạn ngày 31-12.
Các nhà phân tích nhấn mạnh hội nghị thượng đỉnh của các lãnh đạo EU vào ngày 10 và 11-12 là thời hạn có thể đạt được một thỏa thuận Brexit, nhưng người phát ngôn của Thủ tướng Anh Boris Johnson nhấn mạnh, Anh và EU sẽ tiếp tục đàm phán miễn là hai bên còn thời gian và London tin rằng sẽ có một thỏa thuận khả thi.
Như vậy, chỉ còn hơn 3 tuần nữa Anh sẽ hoàn thành hành trình rời khỏi EU. Các nhà lãnh đạo của 27 nước thành viên EU đã đồng ý tăng cường lập kế hoạch dự phòng cho những tác động của Brexit “không thỏa thuận” (Brexit cứng). Việc không đạt được thỏa thuận sẽ làm tắc nghẽn biên giới, đảo lộn thị trường tài chính và phá vỡ chuỗi cung ứng mỏng manh trên khắp châu Âu, đặc biệt nghiêm trọng trong bối cảnh châu Âu đang cố gắng đối phó với thiệt hại kinh tế do đại dịch Covid-19.
Rời khỏi EU có nghĩa là chi phí cao hơn cho các công ty Anh trong bất kỳ trường hợp nào, nhưng việc rời đi mà không có một thỏa thuận có thể là một thảm họa. Khi đó, Anh phải giao thương với thị trường xuất khẩu lớn nhất của mình theo các điều kiện của Tổ chức Thương mại thế giới.
Các công ty Anh, vốn đang quay cuồng với đại dịch, sẽ mất quyền tiếp cận miễn thuế, miễn hạn ngạch vào thị trường 450 triệu người tiêu dùng hiện đang là điểm đến của 43% hàng xuất khẩu của Anh.
Văn phòng Trách nhiệm Ngân sách Vương quốc Anh (OBR), nơi đưa ra các dự báo kinh tế cho chính phủ vào tháng 11-2020, cho rằng, ngay cả khi London và Brussels có thể đạt được một thỏa thuận, kim ngạch thương mại mới của Anh với EU cũng sẽ giảm trong dài hạn, khoảng 4%/năm. Nhưng một Brexit không có thỏa thuận sẽ làm giảm sản lượng thêm 2% kim ngạch vào năm 2021, tương đương khoảng 40 tỷ bảng Anh (53 tỷ USD) và làm hơn 300.000 người trước nguy cơ thất nghiệp vào nửa cuối năm 2021.
Thống đốc Ngân hàng Trung ương Anh Andrew Bailey phát biểu trước Quốc hội vào tháng trước rằng: “Những tác động lâu dài của Brexit không có thỏa thuận sẽ lớn hơn tác động dài hạn của Covid-19”.