Nâng bước sinh viên khiếm thị
Mới đây, tại Trường Trung cấp Nghiệp vụ du lịch và khách sạn Saigon Tourist, Thư viện sách nói dành cho người mù phối hợp với Quỹ từ thiện Việt Nam (Vietnam Foundatinon) đã trao học bổng Hướng Dương năm 2019 đến 48 sinh viên khiếm thị của các trường đại học, cao đẳng thuộc nhiều tỉnh thành (mỗi suất học bổng 5 triệu đồng). Trong đó, có 13 sinh viên năm nhất được tặng laptop chuyên dụng dành riêng cho người khiếm thị.
Được nhận học bổng lần này, em Dương Quỳnh Như xúc động cho biết, đây là món quà thật ý nghĩa với em trong giai đoạn khó khăn hiện tại. Quỳnh Như là sinh viên năm nhất ngành Ngôn ngữ Hàn Trường Đại học Sư phạm TPHCM; em có sự yêu thích đặc biệt về văn hóa, ẩm thực, con người đất nước Hàn Quốc. Khi chọn ngành này, Như biết có quá nhiều thử thách với em, không chỉ về độ khó của việc học mà còn cả vấn đề chi phí học tập.
Là một trong những sinh viên đầu tiên nhận học bổng vào năm 2000, chị Trần Thị Minh Tuyết (40 tuổi, quê Lâm Đồng), cựu sinh viên Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia TPHCM vẫn nhớ như in lần đầu chị nhận những học bổng với nhiều xúc động. Sau khi tốt nghiệp đại học, trải qua nhiều vòng phỏng vấn, chị Tuyết vào làm việc cho Công ty Gras Savoye, chuyên về bảo hiểm của Pháp. Sau đó chị Tuyết sang Mỹ và đã có một gia đình nhỏ hạnh phúc. Đến nay, chị cùng chồng và con trở về Việt Nam sinh sống, quay trở lại tổ chức, tham gia những dự án hỗ trợ tích cực cho người khiếm thị tại quê nhà.
Chị chia sẻ: “Tôi nhớ lần đầu lên nhận học bổng, chị Hướng Dương đã động viên tôi rất nhiều. Những chia sẻ, cái nắm tay ngày đó là động lực để tôi học tập, không trở thành gánh nặng cho bất cứ ai. Và bây giờ trở lại, tôi mong muốn thực hiện những dự án thực sự ý nghĩa cho cộng đồng người khiếm thị”.
Tương tự chị Tuyết, anh Vũ Công Hào (32 tuổi) cũng đầy trân trọng khi nói về học bổng Hướng Dương. Hào nhận học bổng vào năm 2011. Từ sự hỗ trợ kịp thời cùng với nỗ lực không mệt mỏi của bản thân, Hào đã tốt nghiệp Nhạc viện TPHCM với số điểm tuyệt đối. Cậu sinh viên khiếm thị của nhiều năm trước bây giờ đã là giảng viên Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật TPHCM, giảng viên của Trung tâm dạy nhạc thuộc Nhạc viện TPHCM. Hào cũng có riêng một trung tâm dạy nhạc cho người khiếm thị lẫn người sáng mắt và một quán cà phê sách.
Bền bỉ ánh sáng yêu thương
Học bổng Hướng Dương là tên của chị Nguyễn Hướng Dương - một cô gái bị mất cả hai chân vì tai nạn giao thông cách đây 20 năm và là người đã sáng lập ra Thư viện sách nói cho người mù. Chị Hướng Dương (nay đã mất) cùng anh Phạm Đức Trung Kiên thực hiện hoạt động này từ những ngày đầy khó khăn. 20 năm học bổng là 20 năm anh Kiên đồng hành cùng hàng trăm em sinh viên khiếm thị. Học bổng trao cho 5 sinh viên đầu tiên từ năm 2000.
Đến nay, qua 20 năm, đã có 787 lượt học bổng được trao tặng cho 238 sinh viên. Ngoài hỗ trợ kinh phí cho sinh viên theo học đại học, học bổng còn trao tặng các em máy tính chuyên dụng phù hợp, thuận lợi với người khiếm thị trong học tập, sinh hoạt. Từ năm 2008 đến nay đã có 187 em được trao máy tính.
Ông Nguyễn Thanh Tâm, Giám đốc Thư viện sách nói dành cho người mù, chia sẻ: “20 năm là 20 lần học bổng Hướng Dương nở hoa, những bông hoa tiêu biểu và đã có nhiều kết quả thật ý nghĩa. Từ học bổng này, có 6 sinh viên khiếm thị tốt nghiệp thạc sĩ, trong đó có 4 sinh viên tốt nghiệp ở nước ngoài (Australia). Đã có 166 sinh viên tốt nghiệp cao đẳng - đại học, 20 sinh viên có văn bằng 2 đại học với những chuyên ngành phù hợp. Tôi rất mong các em tiếp tục phấn đấu, nỗ lực và vượt qua những giới hạn của bản thân, để không chỉ đáp lại tình cảm yêu thương của cộng đồng, mà quan trọng nhất để xây dựng giá trị, cuộc sống riêng của các em”.