
Buổi gặp gỡ giữa chúng tôi và Thanh Vũ tại xưởng cơ khí luôn bị ngắt quãng. Hết người này yêu cầu chỉnh máy đến người khác báo lỗi thiết bị. Đó là chưa kể chuông điện thoại của xưởng liên tục reo. Và, ai cũng yêu cầu gặp Thanh Vũ...

Phan Thanh Vũ đang lắp ráp máy móc.
Hầu như mọi yêu cầu đều được Thanh Vũ giải quyết tức thời. Thanh Vũ cười cười, cho biết: “Anh em ở đây đều quen với bệnh của máy, có thể tự giải quyết công việc. Nhờ sự hỗ trợ đó, xưởng cơ khí đã có nhiều công trình, sáng kiến, cải tiến kỹ thuật… giúp cho việc sản xuất thuận lợi hơn, đáp ứng yêu cầu của thị trường và ban giám đốc”. Đó là máy chiết rót tương ớt và màng co chai tự động, máy xay nhuyễn ớt, máy rửa chai, máy vắt ly tâm, băng chuyền sản xuất, máy chiết rót ớt sa-tế… Trong đó đáng kể nhất là dây chuyền sản xuất nước tương, nước mắm. Hai thiết bị hoàn toàn do xưởng cơ khí bảo trì thực hiện bằng các linh kiện trong nước.
Thanh Vũ nhớ lại: “Cách đây 3 năm, theo nhu cầu của thị trường, nhà máy quyết định sản xuất mặt hàng mới là nước tương. Ban giám đốc cho biết máy sản xuất nước tương ở nước ngoài có giá rất cao, nhưng chỉ chiết rót một loại chai nhất định, trong khi nhu cầu sản xuất của nhà máy cũng như thị trường là nhiều loại chai khác nhau. Sau khi thực hiện thành công một số công trình, ban giám đốc tin tưởng và giao xưởng cơ khí nghiên cứu sản xuất loại máy này. Thú thật, lúc nhận việc, tôi cũng hơi bối rối, nhưng với sự quan tâm của ban giám đốc, sự hỗ trợ của anh em ở xưởng cũng như muốn thể hiện sức sáng tạo của người Việt Nam, tôi đã quyết định nhận thực hiện công việc này”.
Thế là Thanh Vũ dời luôn bàn làm việc xuống phân xưởng để cùng anh em thực hiện từ khâu bản vẽ cho đến chế tạo linh kiện, lắp ráp, vận hành… Cũng cần nhắc thêm là thời điểm bấy giờ, tại Việt Nam vẫn chưa sản xuất được máy chiết rót tự động. Một vài nhà máy sản xuất được máy chiết rót, nhưng vận hành chậm, không đạt năng suất lao động.
Cái khó của việc sản xuất là làm sao bộ phận nâng hạ, bắt vòi chiết nước tương chính xác, đủ số lượng trong chai và không nhiễu một giọt nào ra ngoài cũng như ngay tại đầu vòi. Bởi lẽ, nước tương có độ đậm đặc, sóng sánh hoàn toàn khác với các chất lỏng khác. Việc nhiễu nước tương ra ngoài hay đọng tại đầu vòi sẽ vi phạm lỗi về vệ sinh an toàn thực phẩm. Các kiến thức trong nhà trường và ngoài xã hội được Vũ và các cộng sự vận dụng vào công trình đầu tiên này. Vượt qua được “khâu” không nhiễu nước tương nhờ vận dụng áp suất vòi bơm thì đến cái khó khác cần giải quyết. Đó là rót nước tương, nhưng không tạo bọt.
Vũ tâm sự: “Trước nay, khi còn thực hiện thủ công bằng tay thì để rót nước tương không tạo ra bọt, công nhân cắm vòi sát đáy chai. Nhưng khi thực hiện bằng máy tự động thì chúng tôi phải tiến hành xử lý bên trong chai. Công việc này cũng tốn khá nhiều thời gian nghiên cứu, thực hiện”. Trưa hôm đó, khi cái máy cơ bản hoàn chỉnh, Vũ phóng xe về chợ Kim Biên để… mua nước tương. Hơn 20 lít nước tương được đưa vào vận hành thử với đúng tính năng, tác dụng. Đến nay, khi máy đã vận hành tốt thì Vũ lại có một ước vọng khác. Vũ cho biết: “Do nhu cầu của thị trường, nhà máy liên tục thay đổi mẫu mã. Do vậy, công nhân vẫn còn thực hiện việc đậy nắp, gắn màng bảo vệ bằng tay. Tôi hy vọng một ngày không xa sẽ chế tạo thành công thiết bị này để công nhân bớt vất vả”.
Đoàn Hiệp
Anh NGUYỄN AN QUỲNH (Giám đốc kỹ thuật, Công ty cổ phần Dược phẩm Savi): Cậu học trò nghèo thành “cây sáng kiến”
Sinh ra và lớn lên trong gia đình nghèo, từ nhỏ Nguyễn An Quỳnh đã theo cha mẹ từ tỉnh Bình Thuận vào TPHCM kiếm sống. Những ngày đầu nhập cư vào TP, gia đình cậu không có hộ khẩu, phải sống tạm bợ trong căn nhà ổ chuột ven kênh Nhiêu Lộc…

Nguyễn An Quỳnh (bìa phải) đang hướng dẫn nhân viên sử dụng thành quả sáng kiến của mình.
Hàng ngày, Quỳnh phụ mẹ đi bán hàng rong trong ga xe lửa Sài Gòn kiếm từng đồng lo bữa ăn cho cả gia đình. Nhìn các bạn cùng trang lứa cắp sách đến trường, cậu bé thèm lắm nhưng không dám nghĩ tới... May sao, chính quyền địa phương mở một lớp học tình thương dành cho trẻ em nghèo lang thang cơ nhỡ quanh ga Sài Gòn, thế là cậu bé được cắp sách đến lớp. Hễ bán hàng xong, cậu liền tranh thủ học bài để đêm đêm đến lớp. Nhờ siêng học, cậu nhanh chóng biết đọc, biết viết và cả biết làm toán nữa. Một lần, có đoàn khách đến thăm lớp học, thấy cậu viết chữ đẹp, một vị khách hỏi: “Được học chữ rồi, cháu có ước mơ gì nữa không?”. Cậu bé vô tư đáp: “Dạ, cháu chỉ ước mơ được học lớp ban ngày thôi ạ!”. Trước ước mơ nhỏ nhoi ấy, ngay hôm sau cậu bé được chuyển lên học lớp ban ngày.
Được đi học đàng hoàng, cậu như có “bệ phóng” để bay cao, bay xa hơn nữa. Cậu miệt mài học tập và thi vào Khoa Cơ khí chế tạo máy Trường Trung cấp Dạy nghề Cao Thắng. Sau khi tốt nghiệp trung cấp nghề, cậu tiếp tục thi vào Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM. Trở thành kỹ sư trẻ giỏi, Quỳnh đầu quân về một công ty chế tạo máy nên có dịp tiếp cận với các loại máy móc có kỹ thuật công nghệ cao.
Rồi bước ngoặt cuộc đời mở ra khi Công ty cổ phần Dược phẩm Savipharm tuyển chọn chuyên viên quản lý thiết bị máy móc cho ngành dược, Quỳnh trúng tuyển. Vào làm tại Savipharm, Quỳnh luôn phát huy trình độ tay nghề và năng lực chuyên môn tốt nên đã được tổng giám đốc công ty đề bạt làm phó giám đốc, rồi lên giám đốc kỹ thuật - cơ điện, quản lý toàn bộ hệ thống điều hành không khí, hệ thống nước tinh khiết, hệ thống nước thải, hệ thống điện và công tác phòng cháy chữa cháy…
Tại Savipharm, đa số máy móc sản xuất dược đều được nhập thẳng từ châu Âu về nên khi thiết bị hỏng hóc, nhà cung cấp báo giá rất cao. Chưa hết, muốn có thiết bị ngoại nhập thay thế phải chờ hàng tháng trời, trong thời gian máy ngưng vận hành, công nhân phải nghỉ việc, sản xuất đình đốn, năng suất lao động và hiệu quả kinh doanh giảm sút.
Thấy vậy, Quỳnh dành toàn bộ thời gian và công sức nghiên cứu thành công các sáng kiến cải tiến kỹ thuật để dùng thiết bị trong nước có giá thành thấp, chất lượng cao thay thế thiết bị ngoại nhập, tránh lệ thuộc vào nhà cung cấp như trước nữa. Với tinh thần sáng tạo liên tục và cải tiến kỹ thuật theo phương châm đơn giản mà hiệu quả, trong giai đoạn 2010-2012, Quỳnh đã sáng tạo thành công 12 sáng kiến cải tiến kỹ thuật, tiết kiệm cho công ty hơn 4,3 tỷ đồng, trong đó có các sáng kiến như: cải tiến máy ép gói, cải tiến 2 máy dập viên; máy bao phim, bao đường; máy trộn cao tốc; thang nâng tòa nhà điều hành; sửa chữa bộ khuôn mẫu; nâng cấp phòng lưu mẫu nhiệt độ ổn định và độ ẩm đồng đều; thiết kế lại layout; di chuyển 4 máy dập viên an toàn; sửa chữa thành công dây chuyển đóng chai tự động; soạn thảo phương án tiết kiệm năng lượng; làm mới 100% 4 máy hút bụi công nghiệp…
Giờ đây, cậu học trò nghèo ngày nào đã trở thành giám đốc - kỹ sư Nguyễn An Quỳnh, nổi tiếng là “Cây sáng kiến” tài năng của công ty, đạt danh hiệu Lao động giỏi nhiều năm liền và đã được công ty tặng nhiều giấy khen các loại. Không dừng lại ở kết quả đạt được, Quỳnh thổ lộ: “Mỗi khi có sáng kiến thành công, tôi như được tiếp thêm sức mạnh để ngày càng có nhiều sáng kiến mới hơn nữa…”.
Minh Phú
| |
| |