Anh Phạm Văn Quân (Trưởng phòng Công nghệ, Công ty Sản xuất hàng tiêu dùng Bình Tân - Bita’s) - Cải tiến phải gắn liền với ứng dụng

Cách đây hơn 10 năm, Bita’s vẫn phải nhập khuôn bằng nhôm từ Ý cho các mã dép sandals rót thẳng trên máy rót PU. Mã khuôn M03 được nhập về, tuy nhiên không đưa vào sản xuất được do thông số kỹ thuật của phom nhôm (một bộ phận của khuôn để lồng quai dép khi rót PU) ở nước ngoài lớn hơn và có sự khác biệt về thông số kỹ thuật của dép sandal trong nước. Nếu gửi trả lại cho nhà cung cấp sửa chữa lại sẽ tốn rất nhiều thời gian (90 ngày xuất đi - nhập về, chưa kể thời gian sửa chữa). Đó là chưa kể công ty trễ đơn hàng giao cho khách nên Trưởng phòng Công nghệ Phạm Văn Quân đề xuất giải pháp chủ động sửa chữa trong nước.
Anh Phạm Văn Quân (Trưởng phòng Công nghệ, Công ty Sản xuất hàng tiêu dùng Bình Tân - Bita’s) - Cải tiến phải gắn liền với ứng dụng

Cách đây hơn 10 năm, Bita’s vẫn phải nhập khuôn bằng nhôm từ Ý cho các mã dép sandals rót thẳng trên máy rót PU. Mã khuôn M03 được nhập về, tuy nhiên không đưa vào sản xuất được do thông số kỹ thuật của phom nhôm (một bộ phận của khuôn để lồng quai dép khi rót PU) ở nước ngoài lớn hơn và có sự khác biệt về thông số kỹ thuật của dép sandal trong nước. Nếu gửi trả lại cho nhà cung cấp sửa chữa lại sẽ tốn rất nhiều thời gian (90 ngày xuất đi - nhập về, chưa kể thời gian sửa chữa). Đó là chưa kể công ty trễ đơn hàng giao cho khách nên Trưởng phòng Công nghệ Phạm Văn Quân đề xuất giải pháp chủ động sửa chữa trong nước.

Từ thực tế bất cập đó, là cử nhân chuyên ngành hóa học, anh đề xuất chuyển đổi phom nhựa thay thế cho phom nhôm nhập ngoại. “Với ưu điểm dễ gia công, chỉnh sửa theo đúng các thông số kỹ thuật đưa ra. Đặc biệt là giá thành lại rẻ. Cải tiến đầu tay đã giúp cho công ty tiết kiệm được trên 100 triệu đồng/năm và thay thế hoàn toàn cho sản phẩm nhập khẩu phom nhôm từ nước ngoài” - anh Quân nhớ lại.

Anh Phạm Văn Quân (trái) đang hướng dẫn công nhân ứng dụng sản xuất trên thiết bị cải tiến của mình.

Anh Phạm Văn Quân (trái) đang hướng dẫn công nhân ứng dụng sản xuất trên thiết bị cải tiến của mình.

Quan sát trong quá trình nhúng sơn cho đế PU, sơn nguyên chất cho vào máy nhúng, sau thời gian sản xuất sơn sẽ đặc lại và một lượng sơn bám vào dàn cây treo đế sẽ được thải ra ngoài, anh tận dụng lại lượng sơn cặn khô pha với dung môi và chất thích hợp để đưa trở lại sản xuất. Những thứ tưởng như bỏ đi nhưng qua sáng kiến của Quân, đã giúp công ty tiết kiệm được 45 triệu đồng chi phí sơn nhập khẩu. “Nếu như sơn cặn trên không được xử lý để tái sử dụng thì công ty phải tốn thêm một khoản chi phí để xử lý, lại ảnh hưởng đến môi trường” - anh Quân cho hay.

Chưa hài lòng về những gì mình làm được, trong một lần bức xúc về dung dịch màu (paste màu) sử dụng để pha trộn vào nguyên liệu PU trong quá trình sản xuất sản phẩm dép, sandal đều phải nhập khẩu từ Italia và Hàn Quốc. Thời gian nhập về đến xưởng mất khoảng 2 tháng. Chính vì vậy mà công ty không chủ động về nguồn nguyên liệu sản xuất mỗi khi giá cả biến động. Sau thời gian nghiên cứu, tìm tòi cùng với kiến thức đã học ở nhà trường, anh đã cho ra chế phẩm dung dịch này.

Anh Quân tâm sự: “Lúc đầu tôi chọn và sử dụng các loại bột màu tinh chế trong nước có độ mịn cao pha trộn với một phần nguyên liệu polyol (dạng lỏng) cho vào thùng chịu nhiệt. Sau đó cho hỗn hợp vào sấy ở nhiệt độ cao. Không ngờ khi pha chế và đưa vào sản xuất thử cho kết quả không thua gì paste màu nhập khẩu. Thời gian đưa vào sản xuất nhanh, chỉ 1 tuần từ lúc đặt hàng là điều chế xong. Chuyện tưởng như đơn giản nhưng mỗi năm công ty phải tốn trên 200 triệu đồng để nhập khẩu paste màu về để sản xuất”...

Hàng loạt đề tài cải tiến của Phạm Văn Quân tiếp tục mang lại hiệu quả thiết thực cho công ty trong quá trình sản xuất như: chỉnh sửa bộ gá khuôn PVC, sửa nắp khuôn đế nhằm tiết kiệm nguyên liệu PVC; làm khuôn rót PU sử dụng thay thế cục ép cao su bị hư của máy ép 6 chiều; in lụa bằng cọ kéo cong cho các bề mặt lõm trên sản phẩm, làm lợi gần 400 triệu đồng; may dây thun hậu của các mã dép sandal theo quy trình mới với thời gian nhanh hơn, chất lượng, độ căng, dãn thun đều làm lợi 50 triệu đồng…

Tuy vậy, Quân khiêm tốn tự nhận “đó là trách nhiệm của mình”. Với anh, sáng kiến hay cải tiến không gắn liền với ứng dụng thực tế thì chẳng có ý nghĩa gì cả. Ông Tạ Minh Quang, Phó Tổng Giám đốc Kỹ thuật Công ty Bita’s, nhấn mạnh, từ lúc thành lập, công ty đã phát động phong trào thi đua và cải tiến kỹ thuật nhằm mang lại hiệu quả công việc cao nhất, chi phí sản xuất thấp nhất, để có giá thành tốt nhất. Từ phong trào này, anh Quân là người có nhiều đề tài sáng tạo, cải tiến, tiết kiệm chi phí cho công ty hàng tỷ đồng. Không những thế, anh Quân còn đào tạo tay nghề cho trên 100 công nhân, cũng như giúp cho nhiều sáng kiến của công nhân đi vào thực tiễn.

HỒ THU



Chị Vương Thị Hồng Loan (Phó phòng Công nghệ sinh học ứng dụng, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển nông nghiệp công nghệ cao TPHCM) - Bảo tồn các loài lan quý

Sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Công nghệ sinh học Đà Lạt, nhận tấm bằng cử nhân khoa học, cô gái trẻ Vương Thị Hồng Loan được Ban Quản lý Khu Nông nghiệp công nghệ cao (BQL KNNCNC) TPHCM nhận vào làm tại bộ phận sản xuất nuôi cấy mô tế bào thực vật tại Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển NNCNC ở xã Phạm Văn Cội, huyện Củ Chi. Là người trực tiếp sản xuất nuôi cấy mô tế bào thực vật, Loan bắt tay xây dựng cơ cấu một số giống hoa lan Mokara cắt cành có giá trị kinh tế cao, siêng bông, được thị trường ưa chuộng.

Từ những cây đầu dòng đã được tuyển chọn, Loan xây dựng quy trình nhân giống in vitro (tức nuôi cấy mô tế bào thực vật trong phòng thí nghiệm) để tạo ra giống lan Mokara có chất lượng cao, phục vụ sự phát triển của KNNCNC TPHCM nói riêng và định hướng nền nông nghiệp đô thị TPHCM nói chung.

Chị Vương Thị Hồng Loan say mê ươm mầm các loài lan trong phòng thí nghiệm

Chị Vương Thị Hồng Loan say mê ươm mầm các loài lan trong phòng thí nghiệm

Loan báo tin vui: “Vừa qua tôi đã thí nghiệm thành công việc nhân giống hoa lan Mokara thành nhiều chủng loại như: vàng chanh, vàng nến, cam, đỏ lá quặt, vàng điểm… sau đó đã chuyển giao hàng chục ngàn cây giống hoa lan Mokara các loại sang nuôi trồng đại trà. Tôi rất vui khi ngày càng có nhiều loại hoa lan quý được trồng tại TPHCM dù thời tiết nắng nóng…”. Loan cho biết cô đã hoàn thiện quy trình nhân giống in vitro các giống hoa lan có giá trị kinh tế cao cho phù hợp với điều kiện khí hậu TPHCM nhằm phục vụ sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp đô thị tại TPHCM.

Với niềm say mê ươm mầm các loài hoa lan xinh đẹp, Loan trực tiếp nghiên cứu và nuôi cấy mô tế bào thực vật, cung cấp khoảng 10.000 cây giống hoa lan các loại cho nông dân và các chủ trang trại trên địa bàn TP và các tỉnh lân cận theo hợp đồng đặt hàng. Chưa hết, Loan còn ươm mầm thành công và chuyển ra vườn trồng hàng chục ngàn cây giống nuôi cấy mô các loại lan như: hoa lan Mokara, Hồ điệp, Vũ nữ…

Riêng những loài lan rừng quý hiếm của khu vực Nam Trung bộ và Tây Nguyên, Loan trực tiếp theo dõi, lấy mẫu rồi áp dụng phương pháp nuôi cấy mô để nuôi trồng nhằm bảo tồn giống lan rừng đặc hữu. Có thể ví Loan như một nàng tiên hiền hậu giữa rừng hoa lan xinh đẹp như: Thủy tiên trắng, Thủy tiên vàng, Ngọc điểm, Quế lan hương, Nhất điểm hồng, Long tu, Giả hạc, Khiết sơn Việt Nam, Kim điệp, Long nhãn, Ngọc thạch, Thái bình, Ớt chẻ… Đây là những giống lan rừng quý hiếm, có thể ra hoa trong điều kiện khí hậu tại TPHCM. Việc tạo ra các giống lan rừng do Loan thực hiện, không chỉ có ý nghĩa về mặt khoa học mà còn có ý nghĩa lớn trong việc bảo tồn nguồn gene các loài lan rừng đang bị khai thác cạn kiệt.

Hiện nay, dù hàng ngày vừa đi làm mãi tận Củ Chi, Loan vẫn tranh thủ chạy về nội thành theo học cao học tại Trường Đại học Bách khoa TPHCM. Loan báo tin vui đang chuẩn bị bảo vệ luận án thạc sĩ sinh học. Loan bộc bạch: “Tôi sẽ cố làm hết sức mình để bảo tồn và nhân rộng các loài hoa lan nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và tiến tới xuất khẩu hoa lan ra nước ngoài để góp phần đem lại lợi nhuận kinh tế cao cho đất nước, xây dựng thành công vùng nông thôn mới ở ngoại thành…”.

Với nỗ lực làm đẹp cho đời bằng tất cả tâm hồn và trí tuệ, Vương Thị Hồng Loan xứng đáng là Chiến sĩ Thi đua nhiều năm liền và đã được BQL KNNCNC TPHCM biểu dương vì đã có thành tích xuất sắc trong việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

Minh Ngọc

Thông tin liên quan

- Anh Nguyễn Thiện Dũng (Phó phòng Kỹ thuật, Công ty cổ phần Hữu Liên Á Châu) - Say mê với cải tiến, sáng tạo

- Anh Lê Phước Hòa (Trưởng xưởng Màng nhựa, Công ty cổ phần Bao bì Sài Gòn): Trái ngọt đến từ sự đam mê

- Ông Đinh Văn Giai, Quản đốc Công ty TNHH Toàn Thắng, KCN Bình Chiểu - Chuyện người thích “khổ”   

- Anh Phan Thanh Vũ (Phó Giám đốc Xưởng Cơ khí bảo trì Công ty cổ phần Thực phẩm Cholimex): Ước mơ tự động hóa

Tin cùng chuyên mục