Sức hút của chữ nghĩa
Năm 1992, tốt nghiệp Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, Khoa Lịch sử, chuyên ngành Dân tộc học, Hoàng Tuấn Công đến các đơn vị phù hợp với chuyên ngành mình học xin việc, nhưng nhận lại là cái lắc đầu. Những ngày chờ việc, anh tranh thủ đọc sách và tiếp tục tự học Hán Nôm. Sau 2 năm, rồi anh cũng có việc làm, nhưng không phải chuyên ngành đã học mà là làm việc tại Trung tâm Khuyến lâm (nay là Trung tâm Khuyến nông Thanh Hóa), chuyên công tác thông tin, tuyên truyền, đào tạo. Công việc chính là đến với núi đồi, đồng ruộng, xuống với bà con nông dân thực hiện các chương trình truyền hình hướng dẫn trồng cây, gieo hạt, phòng trừ sâu bệnh… Xong việc ruộng đồng, anh mới có thời gian để thỏa niềm đam mê chữ nghĩa.
"Người làm từ điển không chỉ cần kiến thức chuyên ngành, liên ngành, vốn sống mà cần phải có ý thức học thuật. Từ điển là sách công cụ, kho cứ liệu chuẩn mực, tin cậy để tra cứu, vận dụng nên cần phải chính xác, không thể tùy tiện" HOÀNG TUẤN CÔNG |
Trong khi đọc và tra cứu từ điển, anh hết sức ngạc nhiên là có rất nhiều từ ngữ, thành ngữ, tục ngữ bị các nhà biên soạn hiểu sai, giảng sai. Chính những sai sót này đã thôi thúc anh viết bài phê bình. Tuy nhiên, bài viết xong gửi một số báo nhưng không thấy phản hồi. Năm 2013, anh lập Blog “Tuấn Công Thư phòng” với mục đích công bố các bài viết của mình. Ban đầu người đọc chủ yếu chỉ là anh em bạn bè thân quen. Sau, anh có bài đăng trên Blog của một nhà văn nổi tiếng nên nhiều người bắt đầu theo đường link dẫn vào “Tuấn Công Thư phòng”.
Anh kể: “Đó là một buổi tối năm 2014. Bình thường, số lượng truy cập vào “Tuấn Công Thư phòng” chỉ được 20-50 lượt/ngày là nhiều, nay bỗng hiển thị lượng truy cập lên tới 3.000 - 4.000 lượt. Nhiều bạn đọc phản hồi, chất vấn khiến mình vừa mừng vừa lo, không biết chuyện gì đã xảy ra”. Và mọi người bắt đầu tò mò về tác giả. Cứ tưởng là một nhà nghiên cứu già dặn, hóa ra một “anh khuyến nông” mới hơn 40 tuổi.
Từ đó đến nay, dù chỉ bàn chuyện chữ nghĩa, nhưng “Tuấn Công Thư phòng” đã có tới 2,5 triệu lượt truy cập, trở thành một địa chỉ hấp dẫn đối với bạn đọc yêu thích chuyện chữ nghĩa. Bạn đọc bị cuốn hút bởi cách viết giản dị mà hấp dẫn, thú vị; diễn giải thấu đáo, bất ngờ, thuyết phục; dẫn nhiều nguồn tư liệu “Đông Tây kim cổ” nhưng mạch lạc, dễ hiểu. Nhiều câu thành ngữ, tục ngữ lần đầu tiên được Hoàng Tuấn Công “giải mã”, đem lại cách hiểu đúng như vốn có.
Anh thổ lộ: “Có người nói công việc mình đang làm là dấn thân, nói thế thì nó to tát quá. Chỉ là hoàn cảnh không cho mình được chuyên theo con đường nghiên cứu thì tranh thủ viết thôi. Mình viết vì đam mê, muốn chia sẻ những gì mình biết. Nhưng có những vấn đề bất bình mà viết, đôi khi đến mức phẫn nộ, bởi những cái sai rõ như thế, thậm chí ngớ ngẩn, nhưng người ta vẫn cố tình cho in sách”.
Nhọc công dọn “vườn người”
Anh Hoàng Tuấn Công kể, cuốn sách Từ điển tiếng Việt của GS. Nguyễn Lân - Phê bình và Khảo cứu vốn ban đầu là một bản thảo có tên Phê bình từ điển, bao gồm các bài viết phê bình, khảo cứu nhiều cuốn từ điển của các tác giả khác nhau. Tuy nhiên, càng khảo cứu, càng viết thì anh càng phát hiện nhiều sai sót trong từ điển của GS Nguyễn Lân, không phải chỉ một cuốn mà là tới 4 cuốn, bởi vậy, anh quyết định viết cuốn sách phê bình và khảo cứu riêng. Sau khi xong bản thảo, anh mất tới 2 năm đi gõ cửa nhiều NXB, nhưng đều lần lượt bị từ chối. Có giám đốc NXB nhắn cho anh rằng, bản thảo của anh rất giá trị, nhưng không thể in vì lý do tế nhị. Một NXB trong Nam đồng ý in, bản thảo đã biên tập, nhưng rồi bất ngờ trả lại và im lặng, không giải thích lý do.
Qua rất nhiều gian nan, cuối cùng cuốn Từ điển tiếng Việt của GS. Nguyễn Lân - Phê bình và Khảo cứu hơn 600 trang cũng được ra đời từ NXB Hội Nhà văn. Thật bất ngờ, một cuốn sách mang tính nghiên cứu lại được độc giả đón nhận nồng nhiệt và “dậy sóng” làng học thuật vốn bình lặng bấy lâu. Chỉ trong khoảng 2 tháng, sách được nối bản đến 3 lần với số lượng 5.000 cuốn. Cũng trong năm, công trình này được giải Sách hay năm 2017.
Sinh thời, khi ra sách từ điển của mình, GS Nguyễn Lân mong độc giả “vui lòng chỉ bảo cho”, nhưng khi cuốn Từ điển tiếng Việt của GS. Nguyễn Lân - Phê bình và Khảo cứu ra đời, anh nhận nhiều phản ứng khá gay gắt, cho là “thiếu thiện chí”. Với Hoàng Tuấn Công, những phản ứng, hay những bài viết phê bình cuốn sách của anh là chuyện bình thường. Vấn đề không bình thường ở chỗ, sau khi cuốn sách của anh ra đời năm 2017 thì đến năm 2020, người ta vẫn tiếp tục cho tái bản cuốn Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam của GS Nguyễn Lân, nhưng không hề sửa chữa, dù chỉ một chữ.
Năm 2020, từ các bài viết phản biện của Hoàng Tuấn Công, 2 cuốn sách Từ điển chính tả tiếng Việt (GS-TS Nguyễn Văn Khang) và Từ điển chính tả tiếng Việt (PGS-TS Hà Quang Năng chủ biên) đã bị thu hồi vì sai sót quá nhiều. Trong khi đó, cuốn Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam (Dương Thị Dung, Đặng Thúy Hằng, Nguyễn Thảo Nguyên) thì bị thu hồi, tiêu hủy vì “đạo” nhiều kiến giải công phu, độc đáo của Hoàng Tuấn Công. Đầu năm 2021, từ loạt bài phê bình của anh, cuốn Thành ngữ bằng tranh (Nguyễn Thị Hường Lý) cũng phải dừng phát hành vì có quá nhiều sai sót. Anh Hoàng Tuấn Công chia sẻ, từ trước tới nay, nếu anh nể nang và vụ lợi, bằng lòng đổi sự im lặng để lấy đồng tiền hoặc ân huệ thì không bao giờ làm được việc “phê bình” chữ nghĩa.
Trước khi chia tay, Hoàng Tuấn Công tiết lộ, anh đang gấp rút hoàn thành bản thảo cuốn sách mới, có tên Viết lúc nông nhàn - cuốn sách phê bình, khảo cứu về nhiều tác giả, tác phẩm. Tôi chia sẻ: “Theo nghĩa đen, khi dọn vườn thì ta dọn vườn nhà mình, còn anh, dọn vườn chữ nghĩa anh lại phải dọn vườn người nên không tránh khỏi va chạm, phản ứng”. Anh cười: “Đồng hành cùng mình luôn có những người yêu tiếng Việt, bạn đọc ham thích chuyện chữ nghĩa. Vả lại mình làm đúng thì không sợ".
Nhà nghiên cứu Hoàng Tuấn Công sinh năm 1970, trong một gia đình có truyền thống chữ nghĩa ở Thanh Hóa. Bố anh là nhà văn, nhà nghiên cứu Hoàng Tuấn Phổ. Gia tài người cha dành cho những đứa con chỉ có sách và tinh thần tự học. Trong căn nhà lợp mái kè chật chội, với Hoàng Tuấn Công, cái giá sách chính là cửa sổ mở ra một thế giới rộng lớn. Ban đầu là đọc sách theo lứa tuổi của NXB Kim Đồng, sau đọc sang tiểu thuyết, truyện ngắn và dần dà ngó nghiêng vào các sách nghiên cứu. Thời bao cấp kinh tế khó khăn, thiếu thốn đủ bề, nhưng có một thứ Hoàng Tuấn Công và anh em trong nhà không thiếu, đó là sách. Cứ vào dịp cuối tuần, quà cụ Phổ mang về cho các con bao giờ cũng có sách. Ông mua sách phù hợp với từng lứa tuổi, sau đó cẩn thận ghi tên con vào từng bìa sách phù hợp. Tình yêu văn chương, chữ nghĩa của Hoàng Tuấn Công cũng lớn dần từ đó. Anh thi vào Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội với nguyện vọng vào khoa Văn, chuyên ngành Hán Nôm. Tuy nhiên, do điểm thi môn Sử cao hơn Văn nên nhà trường lại phân anh sang học Khoa Lịch sử, chuyên ngành Dân tộc học. |