Tuy nhiên, chỉ 1 tháng sau, thực tế cho thấy số lượng trên không đủ để đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của các công ty có trụ sở và cơ sở sản xuất tại Anh. Giới doanh nghiệp đang yêu cầu chính phủ xem xét tăng hơn nữa số lượng lao động có tay nghề cao đến từ các nước bên ngoài Khu vực Kinh tế châu Âu (EEA) được phép vào Anh.
Giám đốc điều hành Liên đoàn Việc làm và tuyển dụng Neil Carberry cho biết thách thức lớn nhất đối với các thành viên liên đoàn là thiếu những ứng viên phù hợp với thị trường lao động Anh. Theo ông Neil Carberry, hệ thống xét cấp thị thực theo hạn ngạch đối với lao động nước ngoài có tay nghề cao là hệ thống chỉ dựa trên con số thuần túy, không tính đến những đóng góp mà các lao động này đem lại cho nước Anh. Việc xét cấp thị thực đối với lao động có tay nghề cao hiện nay chủ yếu được dựa trên mức lương. Theo quy định, những người nhận lương từ 30.000 bảng/năm (39.000 USD/năm) trở lên sẽ được xem xét cấp thị thực. Nhưng hiện nay, do số đơn xin cấp thị thực loại này cao hơn rất nhiều so với số thị thực được cấp, mức lương tối thiểu để được chấp thuận đã tăng lên 41.000 bảng/năm (53.000 USD/năm).
Nhu cầu tuyển dụng những lao động có tay nghề cao đến từ bên ngoài EEA tăng lên do nguồn lao động đến từ EEA đã giảm xuống kể từ khi diễn ra cuộc trưng cầu dân ý về việc Anh ra khỏi Liên minh châu Âu (Brexit) từ năm 2016. Theo một cuộc khảo sát hơn 10.000 người lao động của công ty kiểm toán BDO công bố vào đầu năm nay, Anh đã không còn nằm trong số 6 nước mà người châu Âu muốn tới làm việc vì cho rằng Brexit là gánh nặng cho tương lai của kinh tế Anh. Đối với lao động trẻ có tay nghề cao ở châu Âu, việc quyết định nơi làm việc ở nước ngoài thì tiền lương không còn là yếu tố đơn lẻ quan trọng nhất nữa. Thay vào đó, người ta quan tâm tới các yếu tố khác như nền kinh tế phát triển, chất lượng nhà ở, trường học, chế độ cho trẻ em, chăm sóc sức khỏe, chính sách thuế. Quỹ Tiền tệ quốc tế từng cảnh báo từ góc độ kinh tế, tiến trình Brexit đã gây áp lực lên nhu cầu trong nước khiến đồng bảng Anh suy yếu đẩy giá tiêu dùng tăng, làm giảm sức mua và việc đầu tư kinh doanh chậm hơn dự kiến. Tất cả điều này được cho là có tác động tiêu cực đến sự hấp dẫn của một quốc gia đối với lao động nước ngoài.
Từ nhiều năm qua, tại Anh đã xuất hiện hàng loạt tranh cãi về sự đóng góp của lao động nhập cư đối với nền kinh tế nước này. Nhưng hiện nay, tranh cãi này không còn gay gắt như trước do người Anh dần có cái nhìn thiện cảm hơn với lao động nhập cư. Theo cuộc khảo sát của British Social Attitudes, trong năm nay, khoảng 47% người Anh cho rằng kinh tế Anh cần người nhập cư, tăng hơn gấp đôi so với năm 2013. Giới quan sát nhận định, nếu Chính phủ Anh chưa có sự điều chỉnh linh hoạt hơn trong việc cấp thị thực cho lao động nước ngoài có tay nghề cao, tình trạng thiếu hụt lao động vẫn sẽ tiếp diễn và có thể gây tác động lên nền kinh tế nước này.