Tan hoang làng du lịch cộng đồng
Ngày 28-10, sau khi bão số 6 đi qua, do nằm ven dòng Cu Đê, làng du lịch cộng đồng thuộc xã Hòa Bắc (huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) trở nên tan hoang. Bà Zơ Râm Thị Hồng, chủ homestay Zơ Râm Thị Hồng (thôn Giàn Bí, xã Hòa Bắc) cho biết, bão chưa kịp dứt thì mưa lớn ào đến, nước lũ dâng cao cuồn cuộn chực cuốn phăng khu nhà sàn nằm sát bờ sông. Các thiết bị máy móc, đồ điện tử ngâm nước bị hỏng.
Còn anh Trương Xuân Toàn, chủ cơ sở Măng Chill Vũng Bọt (thôn Giàn Bí, xã Hòa Bắc) cho biết, sau cơn bão quần thảo, rồi nước lũ kéo về, làng quê, vườn tược gãy đổ.
Nằm ở đầu cầu treo Hòa Bắc, những ngôi nhà tranh của anh Nguyễn Xuân Diệp (trú thôn Nam Yên, xã Hòa Bắc), nơi phục vụ ăn uống cho du khách, bị bão cuốn đổ sập. Anh Nguyễn Xuân Diệp cho biết, nông nghiệp sinh thái kết hợp với du lịch cộng đồng ở Hòa Bắc đã giúp người dân nơi đây thoát nghèo nhiều năm qua nhưng nay bão lũ tàn phá, thiệt hại rất nặng nề, mất đi cái “cần câu cơm” của người dân, trong đó có nhiều gia đình người dân tộc thiểu số Cơ Tu.
Ông Thái Văn Hoài Nam, Chủ tịch UBND xã Hòa Bắc cho biết, địa phương đang gấp rút khắc phục hậu quả do bão số 6 và nước lũ trên sông Cu Đê dâng cao gây ra. Hiện nay nước đã rút, người dân đi di tản đã quay trở lại để tái thiết làng du lịch cộng đồng.
Trắng đêm chạy lũ
Ảnh hưởng bởi hoàn lưu của bão số 6, nước lũ từ thượng nguồn đổ về nhấn chìm hơn 20.000 hộ dân tại các huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh và TP Đồng Hới (Quảng Bình).
Tại vùng lũ xã Tân Ninh (huyện Quảng Ninh) bà Nguyễn Thị Tuyên (trú thôn Quảng Xá) cho biết, mưa to 2 ngày qua, lũ lên nhanh, dân trắng đêm bồng bế nhau chạy lũ. Cạnh nhà bà Tuyên là nhà ông Nguyễn Văn Quý, nước lũ đã dâng ngập 1m trong nhà. Ông Quý kể: “Lũ lên nhanh lắm, nước về trong đêm nên dọn được gì lên cao là dọn. Chỉ biết tích trữ lương thực từ trước. Điện mất diện rộng, may nhà nào cũng trữ được bình gas để nấu ăn mà chạy lũ”.
Ông Nguyễn Văn Hoan, Chủ tịch UBND xã Tân Ninh, cho biết, rút kinh nghiệm trận lũ lịch sử năm 2020, dân trong xã xây nhà kiên cố, xây thêm nhà tránh lũ bên cạnh nhà chính. Các xóm thôn có nhà cao tầng đón người có nhà thấp lụt nên việc chạy lũ trong đêm cũng đỡ hơn trước. Ngày 28-10, một học sinh lớp 12 chèo thuyền đi thăm ông nội thì gió to lật thuyền. Chính quyền đã cho ca nô cứu hộ, may mắn cứu được học sinh này giữa lũ lớn.
Tại Quảng Trị, ông Thái Văn Thành, Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Linh cho biết, đêm 27-10, lũ thượng nguồn cuồn cuộn ập về khiến nhiều hộ dân ở làng Phúc Lâm và làng Sa Nam (xã Vĩnh Long, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị) không kịp trở tay. Công an huyện Vĩnh Linh phối hợp với các lực lượng vượt qua dòng lũ dữ, nhanh chóng tiếp cận và di dời khẩn cấp hơn 20 trường hợp người già và trẻ nhỏ đến nơi an toàn. Đến hết ngày 28-10, huyện đã di dời 730 người dân đến nơi an toàn.
Oằn mình khắc phục
Ngày 28-10, hàng trăm cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng tỉnh Thừa Thiên Huế và lực lượng xung kích địa phương chia nhau đến hỗ trợ những hộ dân bị thiệt hại nặng nề trong bão số 6 tại địa bàn các xã và thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc. Địa phương ưu tiên hỗ trợ 210 hộ dân, tập trung ở các xã Lộc Điền, Lộc Thủy, Lộc Trì, Lộc Tiến, Vinh Mỹ và 2 thị trấn Phú Lộc và Lăng Cô có nhà cửa bị hư hại và tốc mái để người dân sớm ổn định cuộc sống.
Cùng ngày, hơn 150 cán bộ, công nhân ngành đường sắt vẫn khẩn trương khắc phục đoạn đường sắt bị xói lở nặng do mưa lũ tại khu vực phía Nam ga Sa Lung (huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị). Nước lũ làm xói lở dẫn đến xê dịch 300m đường ray đoạn phía Nam ga Sa Lung đến phía Bắc cầu đường sắt Sa Lung.
Đây là tuyến độc đạo, nước lũ đang vây quanh nên việc vận chuyển đá tới hiện trường để gia cố, khắc phục chỉ thực hiện bằng đường sắt, rất khó khăn. Trong thời gian chờ khắc phục, hành khách đi tàu được chuyển từ ga Đồng Hới về ga Đông Hà và ngược lại bằng đường bộ để tiếp tục hành trình.
Cùng ngày, Sở GTVT Thanh Hóa cho biết, hiện còn nhiều điểm sạt lở do mưa lũ chưa được khắc phục do thiếu kinh phí và đang phải trình cấp có thẩm quyền phê duyệt dự án. Các đợt mưa lũ do ảnh hưởng bão số 3, số 4, không khí lạnh đã làm gần 200 điểm sạt lở trên các tuyến quốc lộ và tỉnh lộ.
Trong đó, quốc lộ 15C có tới 140 điểm sạt lở với khoảng 46.481m3 đất đá, quốc lộ 15 có 10 điểm sạt lở với khoảng 4.100m3, quốc lộ 47 có 7 điểm sạt lở với khoảng 2.047m3. Nhiều tuyến tỉnh lộ trên địa bàn huyện Mường Lát, Quan Hóa, Quan Sơn... bị hư hỏng nặng cũng chưa được khắc phục.
Mưa to, sóng lớn đã gây sạt lở nghiêm trọng nhiều đoạn bờ biển đoạn qua thôn Hải Thanh xã Kỳ Lợi (thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh), ăn sâu vào đất liền từ 3-6m, chỉ còn cách nhà dân khoảng 30m. Hiện tình trạng sạt lở đang lan rộng nhưng chưa có giải pháp khắc phục. Trong khi đó, bờ biển đoạn qua thôn Tân Ninh và Hội Tiến, xã Xuân Hội (huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh) tiếp tục gây sạt lở nghiêm trọng, xâm lấn sâu vào đất liền khoảng 3m, dài khoảng 150m.
Ngày 28-10, ông Ngô Tấn Cư, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Điện lực miền Trung (EVNCPC), yêu cầu các đơn vị thành viên khẩn trương kiểm tra, khắc phục sự cố sau bão lũ; nếu đảm bảo an toàn thì cấp điện lại. Theo EVNCPC, có 218 sự cố đã được xử lý, cấp điện trở lại cho hơn 689.345 khách hàng, chiếm 91% tổng số khách hàng bị ảnh hưởng bão Trami. Hiện chỉ còn một số khu vực ngập lụt đang được EVNCPC theo dõi để đảm bảo an toàn trước khi tiến hành cấp điện trở lại.