Tại Đà Nẵng: Từ đêm ngày 10 đến chiều tối 11-9, mưa to kèm gió giật liên hồi đã làm một số tuyến đường ở khu vực trung tâm, khu dân cư TP Đà Nẵng ngập nước, cây cối bị ngã đổ. Đặc biệt, dọc các tuyến đường Võ Nguyên Giáp, Hoàng Sa, Nguyễn Tất Thành... gió giật mạnh khiến hàng chục cây xanh bị bật gốc, nhiều hàng quán, công trình thi công dở dang bị hư hại.
Ngay trong ngày 11-9, các lực lượng chức năng đã gia cố những nơi xung yếu tại Bệnh viện dã chiến khu ký túc xá phía Tây (quận Liên Chiểu), chuyển toàn bộ F0 nặng vào Bệnh viện Phổi Đà Nẵng điều trị. Sở Y tế TP Đà Nẵng cũng đã chuẩn bị 44 xe cấp cứu, sẵn sàng vận chuyển bị nhân trong lúc bão đổ bộ.
Các chốt kiểm dịch tạm dừng hoạt động để đảm bảo an toàn trong mưa bão. Để hỗ trợ người dân “vùng đỏ” quận Thanh Khê, Trung đoàn 971 (Bộ Chỉ huy Quân sự TP Đà Nẵng) huy động gần 50 cán bộ, chiến sĩ giúp người dân chèn chống nhà cửa.
Tại Quảng Nam, nơi được dự báo tâm bão số 5 đổ bộ, trong ngày, chính quyền địa phương đã huy động các lực lượng cùng người dân các huyện, thị ven biển, như: Điện Bàn, Thăng Bình, Núi Thành, TP Hội An.., gấp rút chèn chống nhà cửa, neo đậu tàu thuyền vào những nơi kín gió để đảm bảo an toàn. Người dân các xã ven biển của thị xã Điện Bàn đã gia cố lại những hầm trú tránh bão được đào, xây dựng từ những năm trước để sẵn sàng di chuyển xuống đây nếu bão lớn xảy ra.
Trao đổi với PV Báo SGGP, ông Lê Quang Trung, Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn (tỉnh Quảng Nam) cho biết, nước lũ đã cô lập 76 hộ dân đồng bào Giẻ Triêng, chính quyền xã đã dùng tời để vận tiếp tế lương thực cho bà con; đồng thời sơ tán 700 dân ở 3 xã Phước Kim, Phước Thành, Phước Lộc đến nơi an toàn. Trong khi đó, đến chiều tối 11-9, nước lũ tiếp tục dâng cao nên các tuyến giao thông huyết mạch lên các xã vùng cao huyện Bắc Trà My và huyện Nam Trà My bị chia cắt.
Tại tỉnh Quảng Ngãi, đã có mưa to kèm gió lớn liên tục ở các khu vực ven biển. Đặc biệt, tại huyện đảo Lý Sơn, gió giật cấp 10 liên tục quần thảo từ trưa 11-9 đã khiến hơn nửa diện tích hoa màu của bà con bị thiệt hại. Huyện Lý Sơn cũng đã di dời trên 100 hộ dân đến nơi an toàn.
Riêng khu vực phong tỏa xã ven biển Nghĩa An (TP Quảng Ngãi) có gần 20.000 dân, chính quyền địa phương đã di dời 50 hộ dân với hàng trăm nhân khẩu khu vực nguy cơ cao đến nơi trú tránh an toàn, đảm bảo công tác phòng chống dịch Covid-19. Qua rà soát tại các huyện miền núi Ba Tơ, Minh Long, Sơn Hà, Sơn Tây, Trà Bồng, các ngành chức năng xác định có 43 điểm có nguy cơ sạt lở cao. Các huyện đã sẵn sàng triển khai di dời, sơ tán 2.101 hộ/8.064 nhân khẩu đến nơi an toàn.
Tại Thừa Thiên - Huế, địa phương này đã sẵn sàng phương án di dời khoảng 20.005 hộ dân/67.674 khẩu trên địa bàn đến nơi an toàn để phòng tránh bão số 5. Việc di dời sẽ tùy thuộc vào từng thời điểm, mức độ ảnh hưởng của bão. Sở Công thương có phương án dự trữ lương thực thực phẩm, vật tư thiết yếu phục vụ phòng chống thiên tai với số lượng 100 tấn mì ăn liền, 100 tấn gạo.
Trên công trình Thủy điện Rào Trăng 3 (xã Phong Xuân, huyện Phong Điền) có 40 công nhân. Huyện Phong Điền đã yêu cầu chủ đầu tư để lại một số người túc trực, số còn lại đã di chuyển khẩn cấp xuống khu vực Thủy điện Rào Trăng 4 (cách đó 10km) trú tránh bão.
Tại Quảng Trị, mưa lớn gây sạt lở, cuốn trôi hệ thống cống đập tràn Sê Pu tại bản Sê Pu (xã Hướng Lập, huyện Hướng Hóa) làm ách tắc giao thông. Ngầm tràn trên tuyến đường vào thôn Tri và bản Cuôi (xã Hướng Lập) bị gãy và cuốn trôi.