Anh Nguyễn Nhứt Linh, ngụ cùng địa phương với Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Bảy (người được bà con gọi một cách trìu mến là bác Bảy, ông Bảy hay ông Bảy phi công), rưng rưng: Hay tin bác Bảy mất chúng tôi điếng người đi, không tin đó là sự thật. Mới sáng nào ông còn đi dỡ dớn bắt cá, cười khà khà với bà con, mà nay không còn nữa!
Chuyện ông Bảy lâm bệnh nặng, chuyển lên điều trị tích cực tại Bệnh viện Quân y 175, TPHCM nhưng không qua khỏi là một tin buồn đối với người dân của tỉnh Đồng Tháp, đặc biệt là bà con của khóm 4, thị trấn Lai Vung, huyện Lai Vung - nơi ông Bảy phi công sống dưỡng già hơn chục năm qua.
Men theo con đường phía sau UBND huyện Lai Vung, cặp kênh Ba Vinh, chúng tôi tới nhà ông. Trước nhà, bà con đang tất bật mé những nhánh cây de ra đường, phát quang những bụi cỏ cặp mé kênh. Anh Nguyễn Nhứt Linh (ngụ khóm 4, thị trấn Lai Vung, huyện Lai Vung) cầm con dao mà mắt đỏ hoe, nói: Từ lúc nghe tin ông Bảy sức khỏe có phần xấu đi, buồn lắm! Mọi người mong bác Bảy mau bình phục, vậy mà... nay lại làm đường cho sạch sẽ để “đón” ổng về.
Cuộc trò truyện kết thúc một cách chóng vánh, chúng tôi vào nhà ông. Hàng rào bao quanh nhà còn mới toanh, vừa hoàn thành khoảng 2 tháng, nay đã khóa chặt cửa. Theo lời chú Bảy Bút, bạn thân ông Bảy hơn chục năm qua: ‘‘Cứ 4 giờ sáng là ổng qua đây uống cà phê chơi. Đặc biệt, ổng chỉ thích uống cà phê sữa đá, sở thích từ trước cho tới nay. Chúng tôi vừa uống cà phê vừa hàn huyên tâm sự nhiều chuyện trên đời, từ cọng rau, con cá cho đến chuyện đối nhân xử thế. Cứ như vậy, đúng 6 giờ sáng khi đèn đường ở rạch Bằng Lăng tắt thì ổng đi về. Đều đặn mỗi ngày như một đồng hồ sinh học vậy’’.
Bà con ở đây tâm sự: Mọi người quý ổng lắm, bởi ổng ăn ở hiền lành, gần dân lắm. Gia đình nào gặp khó khăn cần giúp đỡ là ổng giúp liền. Mấy con cá ông vừa đặt dớn được cũng mang cho mọi người ở xóm ăn lấy nghĩa, lấy tình. Chưa thấy một vị Đại tá nào mà mộc mạc, chân tình như ổng hết! “Có lần gia đình tôi thiếu vốn mua thức ăn cho 300 con vịt đẻ, thế là ổng mang tiền qua tận nhà cho tôi mượn. Không chỉ tôi mà cả xóm này, hễ ai cần gì nói với ổng một tiếng là ổng bảo, đi lại nhà tao mà lấy xài” - nói đến đây, chú Bảy Bút lấy tay gạt nước mắt. Ông chỉ tay về phía bên kia sông, con đường bê tông đó, đường dây điện với đường ống nước đó cũng là do một tay ông Bảy vận động xã hội hóa mà có. Chứ trước đây là một con đường đất, nhà nào cũng sử dụng đèn dầu chứ có điện đài gì mà sử dụng đâu!
Dẫn tôi qua hông nhà, chú Bảy Bút chỉ vào chiếc xuồng, nói: “Ông Bảy mới mua còn gửi nhà tôi, nhờ tôi đóng giùm cái sạp để mà đi dỡ dớn, vì cái xuồng kia cũ rồi”. Chú Bảy Bút thấy bùi ngùi vì ông Bảy dặn dò mà chưa làm xong. Ổng còn nói sẽ khai trương xuồng mới để mà kiếm cá về nhậu mà! Lần hẹn tôi nhậu gần nhất là thứ hai hôm đó, vậy mà chưa gì ông đã đi rồi!
“Những ân tình của ông Bảy đối với xóm này biết bao nhiêu mà hết. Những ngày ổng bệnh thì ai cũng mong ngóng, cầu nguyện mỗi ngày để ông Bảy mau khỏe, sớm bình phục về sinh hoạt như mọi ngày với chúng tôi nhưng...”- chú Bảy Bút nghẹn ngào.
Thông tin từ Bệnh viện Quân y 175 (TPHCM), Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Đại tá Nguyễn Văn Bảy, phi công từng bắn rơi 7 máy bay Mỹ trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, đã qua đời vào lúc 21 giờ ngày 22-9, thọ 84 tuổi. Trước đó, Đại tá Nguyễn Văn Bảy nhập viện do đột quỵ khi đang làm vườn, được người nhà đưa vào Bệnh viện Sa Đéc (tỉnh Đồng Tháp) và tiếp tục chuyển lên Bệnh viện Quân y 175 điều trị. Đại tá Nguyễn Văn Bảy được chẩn đoán hôn mê sâu, xuất huyết não lượng lớn. Mặc dù Bệnh viện Quân y 175 đã mời các chuyên gia nội và ngoại thần kinh hội chẩn nhưng Đại tá Nguyễn Văn Bảy vẫn không qua khỏi. Đại tá Nguyễn Văn Bảy (còn gọi là Bảy A) là một trong 16 phi công Việt Nam đạt đẳng cấp ACES - danh hiệu có từ Chiến tranh thế giới thứ hai dành cho những phi công lái máy bay quân sự có số lần bắn hạ máy bay đối phương từ 5 chiếc trở lên. Trong cuộc chiến với không quân Mỹ tại miền Bắc Việt Nam, phi công Nguyễn Văn Bảy đã lái chiếc MiG17, 13 lần nổ súng và bắn rơi 7 máy bay Mỹ. Ông được thăng hàm Đại tá và lần lượt giữ các chức vụ Trung đoàn trưởng Trung đoàn Không quân 937, Phó Tư lệnh Sư đoàn 372 , Phó Tham mưu trưởng Quân chủng Không quân. Năm 1989, Đại tá Nguyễn Văn Bảy nghỉ hưu. Sau một thời gian sinh sống ở TPHCM, năm 1990, ông nghỉ hưu, về quê sống cuộc đời một người nông dân bình dị với ao cá, ruộng sen tại quê nhà Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp. |