Nguyễn Huy Thiệp là một trong những nhà văn nổi danh bậc nhất của văn đàn Việt Nam hiện đại. Trước khi trở thành người viết, ông đã có 10 năm là một thầy giáo ở miền núi phía Bắc.
Lựa chọn con đường văn chương giống như một ngã rẽ khác thường từ một cú đẩy tay của số phận, đưa Nguyễn Huy Thiệp trở thành nhà văn lớn của Việt Nam thế kỷ 20. Ông là nhà văn có danh vị quốc tế nhưng cũng trải qua bao thăng trầm.
Tên tập di cảo này được lấy từ đoạn thơ trong truyện Chảy đi sông ơi của chính nhà văn: “… Rồi sông đãi hết/Anh hùng còn chi”. Đội ngũ biên tập của Nhã Nam tạm gọi cuốn sách này là "di cảo", nhằm mục đích cung cấp cho bạn đọc một hình dung đầy đủ, tổng thể về sự nghiệp văn chương, hành trình cuộc đời Nguyễn Huy Thiệp từ những năm 1970 đến khi ông rời cõi tạm vào năm 2021.
Tiến sĩ văn học Mai Anh Tuấn, người biên soạn và giới thiệu Anh hùng còn chi chia sẻ: “Ở cuốn sách, chúng ta mới biết Nguyễn Huy Thiệp từng làm thơ thời tuổi trẻ khi ông dạy học trên Sơn La. Đây là một điều bất ngờ với nhiều người bởi bấy lâu nay Nguyễn Huy Thiệp thành công và thành danh ở thể loại truyện ngắn. Cuốn sách còn giúp độc giả hình dung khả năng vẽ ký họa trên gốm. Đây là một trong những cách thức để tác giả gửi gắm những tâm tư, cảm xúc cuộc đời”.
Nhiều bạn bè của ông đã thốt lên, đọc văn chương của ông, chúng ta đôi khi phải ngỡ ngàng khi thấy mình, thấy thực tế cuộc sống ở trong đó. Với giảng viên sử học TS Jason Picard người đã đọc Nguyễn Huy Thiệp từ năm 1997 ở Việt Nam và từng viết về Nguyễn Huy Thiệp thì những tác phẩm của nhà văn có giá trị rất lớn với thế hệ hiện nay, bởi các bạn trẻ ngày nay không biết những gian nan của thế hệ trước, từ thời chiến tranh rồi thời hậu chiến, bao cấp… Những tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp nhắc nhớ thế hệ trẻ phải luôn nhớ về quá khứ, nhớ về cha ông mình.