“Anh hai” làm em khổ!

“Anh hai” làm em khổ!

Cuối cùng thì đợt đấu giá cổ phiếu của Vietcombank (lớn nhất từ trước đến nay trong lịch sử IPO) đã được xác định ở mức giá 107.860đ/cổ phần. Sự ra đời của cổ phiếu Vietcombank đã xác lập một mặt bằng mới về giá của nhiều mã cổ phiếu trên thị trường. Chính vì điều này mà nhiều NĐT và cả không ít công ty phát hành cổ phiếu khác than: “Anh hai” làm em khổ. Tuy nhiên, có không ít NĐT lại rất mừng và chuyên gia chứng khoán cho là đúng, hợp lý!

101 kiểu “đổ thừa”

“Anh hai” làm em khổ! ảnh 1
Đấu giá Vietcombank xác lập mặt bằng mới về giá? Ảnh: Việt Dũng

Mới đây, Công ty chứng khoán T mời những NĐT thân thiết dự tiệc cuối năm để “tri ân” khách hàng trong thời gian qua… không bỏ sàn ra đi hay chuyển qua sàn khác. Buổi tiệc diễn ra tại một nhà hàng cao cấp trong khách sạn 5 sao, thế nhưng nhóm NĐT “Thiên Thần” (“bắn” đâu trúng đó) 8 người chẳng ai vui, chẳng thấy ngon miệng cho dù tiệc buffet hôm đó có món tôm hùm Massachusetts (của Mỹ)! Vinh – trưởng nhóm “Thiên Thần” đề nghị: “Sàn T tổng kết thì nhóm mình cũng phải tổng kết năm 2007 và định hướng cho năm 2008”.

Thế là cả nhóm rút sớm, tập trung tại quán cà phê Zenta. Mỗi thành viên lần lượt báo cáo tình hình, có người huề vốn, người thắng nhưng không nhiều, còn lại bị thua lỗ. Người lỗ ít nhất là 100 triệu đồng. Riêng Tuyết – người buồn nhất nhóm vì tổng kết lại trong năm qua đã “đứt” 1,2 tỷ đồng. Kết luận cuối cùng của nhóm là do “anh hai” Vietcombank làm khổ em út (!?).

Lý giải vì sao nhóm “Thiên Thần” trách Vietcombank làm “khổ”? Hầu hết các thành viên trong nhóm cho rằng: Ngay từ quý III, thị trường có dấu hiệu “làm bàn đạp” (lấy trớn để đi lên) và gần như tất cả NĐT, chuyên gia chứng khoán và cả… nhà báo cũng nhận định rằng chắc chắn thời điểm cuối năm (tháng 12) cổ phiếu sẽ nóng, sốt, lên giá, chỉ số VN-Index sẽ vượt trên 1.100 điểm, vì thế không ít NĐT gom hàng chờ mùa cuối năm (năm ngoái, thời điểm này nhiều NĐT thắng lớn).

Thế nhưng “anh hai” Vietcombank chơi nghiệt, IPO rơi đúng vào thời điểm này, nên nhiều NĐT bán bớt cổ phiếu trên sàn để lấy tiền IPO, làm cho cổ phiếu cứ giảm, VN-Index xuống gần đụng sàn 900 điểm. Những người ôm số lượng lớn cổ phiếu như Tuyết cứ một ngày trôi qua là một ngày như có lửa đốt trong lòng!
 
Nhiều NĐT nói với chúng tôi rằng Vietcombank không ảnh hưởng sao được khi đợt đấu giá vừa qua đã “ngốn” hết hơn 10.000 tỷ đồng tiền mua cổ phiếu (trong khi đó, tổng giá trị giao dịch mỗi ngày tại sàn TPHCM hiện nay chỉ đạt ở mức 550 tỷ đồng, ít hơn gần 20 lần). Nếu như không có IPO của Vietcombank vào thời điểm này, những người có tiền và trữ tiền sẽ tung ra mua cổ phiếu trên sàn, chắc chắn thị trường sẽ sôi động, thế mà… Nhiều NĐT cho rằng giá đấu bình quân của VCB không cao làm người ta “vỡ mộng”, vì họ sở hữu trái phiếu của VCB với hy vọng khi có giá bình quân cao sẽ “đổi đời” nhưng cũng  đã xảy ra không như ý muốn.

Xác lập và làm chuẩn về giá?

Từ khi Vietcombank chính thức thông báo ngày đấu giá, thị trường chứng khoán dồn nén, giảm xuống dưới 950 điểm (Đến ngày 27-12-2007, khi Vietcombank công bố giá đấu bình quân, chỉ số VN-Index vẫn ở mức 921,75 điểm) giới đầu tư và một số chuyên gia chứng khoán dự đoán rằng, khi Vietcombank đấu giá sẽ xác lập mặt bằng về giá không chỉ đối với cổ phiếu ngành ngân hàng mà còn ảnh hưởng đến cổ phiếu của nhiều nhóm ngành khác. Những NĐT đang sở hữu cổ phiếu ngân hàng, đặc biệt cổ phiếu chưa niêm yết OTC “trách” “anh hai” nhiều nhất: “Anh hai ra mặt làm chi để em út khổ”!

Chỉ có những người “đứng giữa” (không chơi chứng khoán) mới thấy NĐT đôi khi mâu thuẫn: Khi mua một mã cổ phiếu bao giờ cũng mong muốn giá cổ phiếu đó phải gần với giá trị thật, thị giá cổ phiếu càng gần với mệnh giá của nó thì càng tốt, để đầu tư an toàn, mua bán dễ lời. Thế nhưng, khi giá của Vietcombank được xác lập thì lại la trời: “Sao thấp quá, mất mặt quá. Đáng lý ra “anh hai” phải cao hơn tụi em một cái đầu, ai dè…”.

Trả lời báo chí vì sao giá cổ phiếu của Vietcombank không cao như nhiều người nghĩ, một thành viên của Ban tổ chức đấu giá cho rằng, giá đó là cao. Một cổ phiếu khi đấu giá cao hơn mệnh giá từ 5 đến 6 lần là tốt. Không ít NĐT nói, sở dĩ Vietcombank có giá thấp là so với một số ngân hàng thương mại cổ phần khác không năng động bằng, lợi nhuận năm qua và phương hướng đầu tư trong tương lai cũng không bằng.

Tuy nhiên, một chuyên gia chứng khoán lại đánh giá khác: Việc Vietcombank xác lập giá là đúng, phù hợp với sự phát triển bền vững (ngày càng nhiều mã cổ phiếu có giá quay về gần với giá trị thật). Và nói gì đi chăng nữa, Vietcombank vẫn là ngân hàng “đàn anh” về mọi mặt, từ quy mô đến thương hiệu, tính chuyên nghiệp, đẳng cấp.

Bằng chứng là thời điểm trước và sau khi Vietcombank IPO, nhiều cổ phiếu OTC nhóm ngành ngân hàng đã giảm từ 10% – 30%, ngay cả giá cổ phiếu của hai ngân hàng đang niêm yết trên sàn là STB và ACB cũng giảm. Điều quan trọng nhất là kể từ bây giờ, NĐT có thể lấy giá của Vietcombank ra so sánh để đầu tư. Không thể bỏ tiền ra mua một mã cổ phiếu “có tuổi mà không có tên” nào đó, hay cổ phiếu “điên” với giá quá cao so với giá của “anh hai”.

“Anh hai” làm “em” khổ nhưng cũng chính “anh hai” làm cho các “em” mạnh lên, “thật” hơn, chứ để mấy em “chơi lung” theo kiểu “căng bánh xe” có ngày nổ “cái rầm”, sẽ chết!

NGUYỄN TẤN VIỆT

Tin cùng chuyên mục