Trên mục “Văn hóa và giải trí” của tờ Corriere Di Bologna (Người đưa thư Bologna) từng đăng bài có tựa đề “Fratelli Vietnam - nhà hàng Việt Nam đầu tiên (duy nhất) ở Bologna”, trong đó nói rõ “Hai anh em Kiên và Hải” đã giới thiệu ẩm thực truyền thống Việt Nam đến với người dân TP Bologna. Bài báo cũng dí dỏm tiết lộ rằng “Kiên đã cất tấm bằng kỹ sư của mình vào ngăn kéo để theo đuổi niềm đam mê nấu ăn. Niềm đam mê này còn được anh ruột của Kiên, một đầu bếp Việt ở Czech truyền cảm hứng và dạy thêm. Kiên từng làm đầu bếp ở Florence, Milan, Treviso cho tới khi gặp Hải và hai người chung ý tưởng đã mở nhà hàng Việt đầu tiên ở Bologna”.
Ngay giữa thủ phủ của Bologna, nơi tập trung ẩm thực tiêu biểu và cũng là niềm tự hào của Italy như bánh Certosino, xốt Bologna, kem Gelato, Lasagne… thì việc đưa được thực đơn với món ăn có tên thuần Việt như “Bún bò Nam bộ”, “Bún chả” lên báo Corriere Di Bologna đã là một thành công của quán Fratelli Vietnam.
Hoàng Kiên đặt chân đến Milan từ năm 2012, thời điểm chưa có nhiều người Việt ở Italy. Kiên nhớ lại: “Đến cơ hội nói tiếng Việt còn hiếm, nên tôi tạm gác lại mơ ước tự mở một nhà hàng riêng. Giải pháp an toàn hơn chính là tập trung làm đầu bếp cho các nhà hàng đã có sẵn”. Thời điểm ấy, khắp Italy chỉ có khoảng 12 nhà hàng Việt, Kiên từng đứng bếp 6 trong tổng số đó. Kinh nghiệm, quan hệ và khách quen cứ thế dày lên cho đến một ngày Hải, khách hàng đồng hương ở Bologna hay đặt đồ ăn của Kiên, gợi ý “sao anh không chuyển đến Bologna mở quán để em đỡ phải đặt đồ ăn từ xa”. Vợ Kiên cũng động viên chồng thử đến Bologna lập nghiệp, rằng “có niềm tin thì sẽ làm được, còn thành công hay không cần phải có thời gian”.
Nhà hàng Fratelli Vietnam trên đường Broccaindosso nằm ở ngoại vi Bologna nhưng lại gần các trường đại học, trong đó có Alma Mater Studiorum Università di Bologna (Viện Đại học Bologna), thành lập từ năm 1088, được xem là trường lâu đời nhất thế giới và cổ nhất còn tồn tại ở châu Âu. Thời gian đầu, sinh viên quốc tế, sinh viên bản địa, khách du lịch chính là đối tượng khách đầy cởi mở và nhiệt thành với các món ăn còn mới mẻ của nhà hàng. Từ mức lượng khách bản xứ ban đầu chỉ chiếm khoảng 30%, chủ yếu giao tiếp bằng tiếng Anh, hiện tại đã tăng lên 60% và ngôn ngữ bản địa vang lên khắp quán từ bữa trưa tới bữa tối. Khuôn viên quán nhỏ, chỉ khoảng 20 chỗ ngồi, ngày cao điểm vẫn có thể đón 120 lượt khách, riêng nồi phở bò ngày nào cũng đảm bảo đủ nước dùng cho 50-60 tô.
Điều gì của ẩm thực Việt giúp thực khách dễ nhận diện nhất? Hoàng Kiên chia sẻ: “Càng nấu ăn nhiều năm ở Italy, tôi càng nhận ra sự sâu lắng đặc trưng của ẩm thực Việt. Dù ở đây món Hàn, món Thái, món Trung Quốc rất nhiều, nhưng vẫn dễ dàng nhận diện ẩm thực Việt. Lợi thế của bếp Việt là thiên về rau củ quả và nhất là sử dụng nhiều rau trong các món ăn. Nếu như người Italy hay ăn món salad đầu tiên thì vào quán Việt có thể thoải mái gọi nhiều món gỏi, nộm. Người Italy hay cho giấm vào salad thì người Việt lại ưa cốt chanh, vừa thanh đạm vừa nhẹ bụng”.
Kiên từng tốt nghiệp Khoa Cơ khí và làm trong ngành đăng kiểm một thời gian. Thỉnh thoảng anh vẫn nói vui: “Giờ đứng bếp tay chảo tay muôi (vá) vẫn sáng lòe ánh thép, cũng là cơ khí đấy”. Chọn nghề nào và sống ở đâu, theo Kiên, điều quan trọng vẫn là ý thức tự phát triển bản thân, đáng quý hơn nữa là lan tỏa được một phần giá trị văn hóa Việt thông qua ẩm thực tại nơi mình định cư. Ước mơ tiếp theo của vợ chồng Kiên là tìm được người chung tâm huyết, huy động đủ nhân lực và tài chính cho dự án đưa những chiếc bánh mì Việt, ly cà phê Việt được nhận diện nhiều hơn trên đường phố Italy.