Hành trình dài
Chu Tất Thắng và Chu Tấn Phát thuộc thế hệ Gen Z, sinh năm 2001. Trên Facebook cá nhân, khi tác giả kịch bản Chu Tất Thắng đồng thời là đồng đạo diễn cùng em trai Chu Tấn Phát đăng tải chi tiết quá trình tạo ra bộ phim hoạt hình Phù du, mới thấy sự kỳ công, bền bỉ của hai anh em.
Cảnh trong phim hoạt hình Phù du của Chu Tất Thắng và Chu Tấn Phát |
Câu chuyện trong Phù du xoay quanh hành trình “chỉ sống 24 giờ” của một chú phù du với sứ mệnh “phải giao phối, đẻ trứng, ra đi”. Trải qua rất nhiều biến cố, nhưng trong chính hoàn cảnh ngặt nghèo nhất, nó bất ngờ nhận ra thế giới tươi đẹp xung quanh bấy lâu mình thờ ơ. Phù du thay đổi, không ám ảnh về “sứ mệnh” của mình nữa mà tận hưởng khung cảnh, trải nghiệm cuộc sống. “Phù du chỉ sống 24 giờ, nên hãy sống theo cách bạn muốn” là sứ mệnh mới nó gửi gắm đến đồng loại của mình.
Tất Thắng cho biết, là người trẻ chưa có nhiều kinh nghiệm nên quá trình làm phim của cả hai vô cùng khó khăn, đặc biệt các vấn đề liên quan đến kỹ thuật, phần mềm.
“Việc xây dựng mô hình 3D từ ý tưởng 2D thực sự có nhiều thử thách. Tôi quyết định đi theo hướng thiên về semi- realistic (bán thực) với các bộ phận của nhân vật có nhiều chi tiết gần với thực tế nên cần phải dành một thời gian dài để học tập model (mô hình) nhân vật theo hướng này. Nhiều bài học đã được vỡ ra trong quá trình làm, như việc có những chi tiết trông đẹp khi vẽ nhưng không khả thi khi xây dựng 3D và làm chuyển động nhân vật”, Tất Thắng chia sẻ.
Một thử thách khác là trong phim có số lượng lớn các nhân vật dẫn đến yêu cầu phải làm sao cho người xem phân biệt được chúng và hiểu đây đều là loài phù du. Thắng hé lộ, trong các thiết kế luôn giữ nét đặc trưng của các bộ phận như râu, cánh, đuôi, màu da…, nhưng đồng thời cũng khai thác các tỷ lệ, khoảng cách ngũ quan khác nhau để tạo sự đa dạng cho nhân vật.
Theo Tất Thắng, Phù du được hai anh em lên ý tưởng và cùng nhau thực hiện trong thời gian hơn 1 năm, với sự giúp đỡ của các thầy cô Trường Đại học Mỹ thuật TPHCM. Đây cũng là đồ án đạt thủ khoa tốt nghiệp khoa Mỹ thuật ứng dụng.
Nỗ lực và trái ngọt
Nói về lý do theo đuổi con đường làm phim hoạt hình, theo Tất Thắng đó là ước mơ từ nhỏ của cả hai anh em. Họ được truyền cảm hứng từ rất nhiều bộ phim hoạt hình khác nhau. Thắng cho rằng, những bộ phim hoạt hình có tác động rất mạnh mẽ đến thế giới quan của các bạn trẻ, có thể làm thay đổi cả thế hệ với những thông điệp truyền tải trong đó. Đó là lý do, Thắng mong muốn tạo ra những bộ phim có ảnh hưởng tích cực đến xã hội.
Tuy đam mê từ nhỏ nhưng phải đến khi bắt đầu học đại học, cả hai mới bắt đầu quá trình học bài bản, nghiêm túc các kiến thức về mỹ thuật. Đặc biệt, Thắng tiết lộ, ban đầu gia đình cũng không ủng hộ lắm việc hai anh em theo đuổi con đường làm phim hoạt hình.
Phim hoạt hình Phù du được đánh giá cao bởi thông điệp ý nghĩa. Ảnh: ĐPCC |
“Chúng em phải tự cố gắng chứng minh cho gia đình thấy đây là lựa chọn đúng. Giải thưởng lớn đầu tiên này mới chỉ là khởi đầu và chắc chắn bọn em phải cố gắng trau dồi nhiều hơn nữa để tạo nên những bộ phim chất lượng trong tương lai, góp phần nào đó cho phim hoạt hình Việt. Em nhận ra còn rất nhiều kiến thức mình phải học để có thể chuẩn chỉnh khi làm nghề”, Thắng tâm sự. Đồng thời cả hai cũng không giấu mong muốn tìm kiếm cơ hội học hỏi ở nước ngoài.
"Xem xong Phù du sẽ thấy lắng đọng bài học rằng cuộc sống này đáng quý biết bao. So với thiên hà vũ trụ chúng ta thật nhỏ bé, nhưng so với phù du chỉ có 24 giờ để sống thì chúng ta có rất nhiều thời gian. Vì thế, tôi rất thích thông điệp bộ phim truyền tải: Trong cuộc sống phải sống như thế nào cho đáng sống"
Đạo diễn - NSND Hà Bắc, thành viên Ban giám khảo vòng chung khảo Liên hoan phim ngắn TPHCM 2023
Ngoài công việc học tập, khi còn là sinh viên, cả hai cũng là những người trẻ truyền cảm hứng khi tham gia tích cực rất nhiều hoạt động đoàn, hội và nhận được nhiều giải thưởng, giấy khen, bằng khen.
Tấn Phát từng là Bí thư Đoàn Trường Đại học Mỹ thuật TPHCM, trong khi anh trai Tất Thắng cũng đảm nhận vị trí Chủ tịch Hội Sinh viên nhà trường. Việc tham gia các hoạt động ngoại khóa, xã hội, vì cộng đồng, không chỉ giúp họ bước ra khỏi vùng an toàn của bản thân, mà còn mang đến cơ hội học hỏi, kết giao, trưởng thành và quan trọng không kém, góp phần cống hiến cho cộng đồng.