Đây được xem là những động thái nhằm ổn định thị trường tài chính Anh, vốn đang bị chao đảo mạnh trong 3 tuần vừa qua, sau khi gói “ngân sách nhỏ” được công bố vào ngày 23-9. Phát biểu tại buổi họp báo, Thủ tướng Truss thừa nhận gói “ngân sách nhỏ” là nguyên nhân bất ổn trong những tuần vừa qua.
Để đưa tình hình trở lại đúng hướng, bà Truss cho biết sẽ giữ nguyên mức tăng thuế doanh nghiệp lên 25%, như chính phủ tiền nhiệm đã thông báo. Điều này sẽ bổ sung thêm vào ngân sách khoảng 18 tỷ bảng Anh (hơn 20,2 tỷ USD) tiền thuế. Trước đó, chính phủ của bà đã phải rút lại kế hoạch xóa bỏ thuế suất đối với các khoản thu nhập cao nhất. Theo kế hoạch, tân Bộ trưởng Tài chính Jeremy Hunt sẽ đưa ra kế hoạch tài khóa trung hạn vào cuối tháng này.
Các bất ổn tài chính liên quan đến những chính sách điều hành kinh tế của nữ Thủ tướng trong thời gian vừa qua đã khiến uy tín của đảng Bảo thủ giảm mạnh. Sự hỗn loạn của thị trường tài chính khiến Thủ tướng Anh không chỉ bị Công đảng đối lập chỉ trích nặng nề mà còn gây chia rẽ ngay cả trong nội bộ đảng Bảo thủ.
Sau quyết định mới nhất của chính phủ, thị trường tài chính Anh đã có tín hiệu phục hồi. Giá trái phiếu Chính phủ Anh tăng và lợi suất trái phiếu giảm. Tuy nhiên, giới phân tích vẫn chưa đặt nhiều kỳ vọng vào động thái đảo ngược chính sách giảm thuế của chính phủ. Họ cho rằng các nhà đầu tư sẽ thận trọng hơn trước những biến động chính trị trong tương lai. Quyết định của Chính phủ Anh có thể đã quá muộn, tạo cảm giác có một sự sa lầy trong điều hành kinh tế.
Hiện đã xuất hiện đồn đoán cho rằng nếu tình hình vẫn diễn biến xấu, đặc biệt là sau khi công bố kế hoạch tài khóa trung hạn vào cuối tháng này, Ủy ban 1922 - Cơ quan giám sát việc bầu lãnh đạo đảng Bảo thủ của Anh - có thể sẽ thay đổi quy chế bỏ phiếu bất tín nhiệm với lãnh đạo đảng để thay thế Thủ tướng Liz Truss.