Anh đảo ngược chính sách di cư

Sau cuộc chuyển giao quyền lực được đánh giá là nhanh chóng và suôn sẻ, tân Chính phủ Anh đã nhanh chóng đưa ra chính sách mới về nhập cư với kỳ vọng sớm giải quyết một trong những vấn đề nóng tại xứ sương mù.

Giải cứu người di cư trái phép đến Anh. Ảnh: NORTH WEST BYLINES
Giải cứu người di cư trái phép đến Anh. Ảnh: NORTH WEST BYLINES

Ngay sau khi nhậm chức, Thủ tướng Keir Starmer đã hủy bỏ kế hoạch trục xuất người nhập cư bất hợp pháp đến Rwanda, một kế hoạch gây tranh cãi của chính phủ tiền nhiệm. Dự luật đã gây ra rạn nứt trong chính đảng của cựu Thủ tướng Sunak, khi những người cánh hữu cho rằng nó chưa đủ cứng rắn, còn giới ôn hòa hơn trong đảng Bảo thủ lo ngại rằng nó đã đi quá xa. Thay vào đó, để kiểm soát vấn đề người nhập cư, Chính phủ Anh đang triển khai thành lập Bộ Tư lệnh An ninh biên giới, với tham vọng giải quyết tận gốc rễ nạn buôn người và kế hoạch hồi hương người di cư về quốc gia mà họ đã ra đi.

Người phát ngôn của tân Thủ tướng Keir Starmer cho biết, chính phủ mới tại Anh sẽ cho phép hơn 100.000 người di cư nộp đơn xin tị nạn. Dự kiến, khoảng 90.000 người nhập cư bất hợp pháp tại Anh vốn đang chờ để trục xuất sang Rwanda theo kế hoạch của chính phủ thuộc đảng Bảo thủ tiền nhiệm sẽ nằm trong số 102.000 người được chính phủ mới của Công đảng cấp quy chế tị nạn.

Thông tin được đưa ra trong bối cảnh tổng số người di cư vượt eo biển Manche trái phép để vào nước này tính từ đầu năm đến nay đã lên mức kỷ lục 13.600 người. Đây là con số cao nhất từng được ghi nhận kể từ khi những người di cư đầu tiên vượt eo biển đến Anh vào tháng 1-2018, cao hơn khoảng 3% so với mức kỷ lục trước đó là 13.172 người vào cùng thời điểm năm 2022 và tăng 8% so với con số 12.503 người vào cùng thời điểm của năm 2023. Tính đến tháng 4 vừa qua, 102.888 người xin tị nạn đang chờ được xét duyệt hồ sơ. Theo tính toán của Hội đồng Người tị nạn, trong số 90.000 người trước đây được đưa vào danh sách trục xuất sang Rwanda sẽ có khoảng 70% (khoảng 60.000 người) sẽ được cấp quyền tị nạn dựa trên đặc điểm quốc gia ban đầu của họ. Hiện gần 36.000 người đang được bố trí ăn ở trong các khách sạn, trong đó hơn 50% đến từ các quốc gia có tỷ lệ được cấp quyền tị nạn cao. Việc đảm bảo ăn ở cho những người xin tị nạn này đang tiêu tốn của Chính phủ Anh 2,9 triệu bảng (3,7 triệu USD) mỗi ngày.

Bộ trưởng Nội vụ Yvette Cooper cũng cam kết sẽ chấm dứt việc sử dụng khách sạn làm nơi ăn nghỉ cho người xin tị nạn trong vòng một năm để tiết kiệm tài chính. Tuy nhiên, giải pháp này vẫn chưa thể giải quyết được vấn đề là Anh sẽ đối mặt với tình trạng tồn đọng người xin tị nạn ngày càng tăng, trừ khi có thể ngăn chặn những con thuyền băng qua eo biển Manche.

Dư luận Anh đã đánh giá tích cực về chính sách di cư mới của chính phủ. Sonya Sceats, giám đốc điều hành của nhóm Freedom from Torture, tổ chức giúp đỡ những người tìm nơi ẩn náu ở Anh, hoan nghênh thông báo của ông Starmer. “Đây là một chiến thắng to lớn cho các nhà vận động vì người tị nạn, cho hàng trăm, hàng ngàn người trên khắp đất nước này đã tham gia cuộc chiến chống lại kế hoạch đổi tiền lấy con người vô cùng tàn ác”.

Trong những năm gần đây, hàng chục ngàn người xin tị nạn, trong đó nhiều người chạy trốn chiến tranh và nghèo đói ở châu Phi, Trung Đông và châu Á đã đến Anh bằng cách vượt eo biển Anh trong những hành trình đầy rủi ro do các nhóm buôn người tổ chức. Theo dự báo của Hội đồng Người tị nạn của Anh, từ nay đến cuối năm sẽ có thêm khoảng 27.000 người di cư vượt eo biển Manche để vào Anh, càng làm tăng thêm số đơn xin tị nạn tồn đọng mà chính phủ Công đảng sẽ phải xử lý.

Tin cùng chuyên mục