

Một shop trang phục của người Hồi giáo ở London
Công ty bảo hiểm theo luật Hồi giáo Sharia đầu tiên của Anh vừa ra đời ngày 28-7. Công ty sẽ giới thiệu và hướng dẫn các chính sách liên quan đến các điều luật của Hồi giáo, nhằm tránh những rủi ro của người Hồi giáo bị chi phối bởi hệ thống luật pháp Anh.
Bảo vệ quyền lợi người Hồi giáo
Sharia là đạo luật rất hà khắc, trong đó cho phép ném đá đến chết hay chặt tay, chặt chân người phạm các tội như ăn cắp, ngoại tình, uống rượu... Công ty bảo hiểm Salaam Halal, chuyên bảo hiểm ô tô, sẽ hướng dẫn các nguyên tắc lái xe song hành với các điều luật Hồi giáo Sharia.
Thông qua áp dụng các nguyên tắc ứng xử Takaful, theo đó những chính sách bảo hiểm có tính quy ước sẽ được chuyển từ các cơ quan nắm giữ chính sách của chính phủ sang Công ty Salaam Halal.
Những người nhận được bảo hiểm của Công ty Salaam Halal có nhiệm vụ đóng góp một khoản tiền vào quỹ của công ty bảo hiểm. Số tiền đó sẽ được đầu tư vào các hoạt động kinh doanh theo luật Sharia – tránh các công ty có liên quan đến rượu hoặc trả lãi.
Chủ yếu, “quỹ đầu tư” này sẽ được dùng để trả tiền cho những đòi hỏi phát sinh của các khách hàng. Tuy nhiên, đến cuối năm, nếu quỹ này bị thâm hụt ngân sách, phần vượt quá sẽ được các khách hàng đóng góp thông qua khoản tiền lãi đầu tư của năm sau.
Người Hồi giáo ở Anh sống tách biệt?
Chính sách trên nhắm đến khoảng 1,6 triệu người Hồi giáo ở Anh, chiếm gần 2,7% tổng dân số nước này. Sự ra đời của Công ty bảo hiểm Salaam Halal – công ty tư nhân đầu tiên áp dụng luật Hồi giáo Sharia ở Anh – là một bước tiến quan trọng trong hệ thống tài chính của người Hồi giáo ở xứ sở sương mù.
Công ty này, được Cơ quan Dịch vụ tài chính Anh cấp phép hoạt động, hy vọng phát triển các chính sách bảo hiểm nhà vào cuối năm nay.
Năm 2004, Chính phủ Anh đã cho phép Islamic Bank of Britian, một ngân hàng 100% vốn của người Hồi giáo hoạt động. Năm ngoái, ngân hàng truyền thống Lloyds TSB cũng đã bắt đầu các “sản phẩm tài chính Hồi giáo”, nhắm tới các doanh nghiệp và cung cấp nhiều tài khoản ngân hàng theo luật Sharia.
Trong một một cuộc thăm dò dư luận do tờ Telegraph công bố trước đây, có đến 40% người Hồi giáo tại Anh muốn áp dụng luật Hồi giáo Sharia ở những khu vực có đông người Hồi giáo sinh sống.
Ngoài ra, 1/2 số người được thăm dò nhận xét rằng quan hệ giữa người Anh da trắng và cộng đồng Hồi giáo đang ngày một xấu đi. Giới chuyên môn nhận xét, kết quả này cho thấy người Hồi giáo tại Anh đang cảm thấy mình bị tách biệt với xã hội và đang ngày một cực đoan hơn.]
HẠNH CHI (theo Daily News, Nasdaq)