Ấn tượng với trang trại bò sữa Vinamilk ở Tây Ninh

Sau nhiều lần hẹn, cuối cùng chúng tôi cũng có mặt ở trang trại bò sữa Green Farm của Công ty CP sữa Việt Nam (Vinamilk) ở ấp Long Thịnh, xã Long Khánh, huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh để hiểu thêm về công nghệ nuôi bò đạt chuẩn organic châu Âu và tiềm năng phát triển chăn nuôi trang trại của vùng đất giáp biên.

Đàn bò sữa phát triển tốt ở trang trại Green Farm Vinamilk ở Tây Ninh
Đàn bò sữa phát triển tốt ở trang trại Green Farm Vinamilk ở Tây Ninh

Trang trại này được Công ty Vinamilk đầu tư 50 triệu USD trên diện tích 685ha và chính thức đi vào hoạt động từ năm 2019, trở thành trang trại bò sữa độc lập lớn nhất Việt Nam và đạt chuẩn GlobalGAP lớn nhất châu Á.

Trang trại Green Farm Vinamilk đang mở rộng việc quy hoạch và thực hiện liên kết với nông dân để thu mua một số phụ phẩm làm thức ăn cho bò như rơm, mùn cưa, vỏ trấu; quy hoạch vùng trồng bắp, liên kết giữa trang trại với nông dân trồng bắp để bán cho trang trại. Qua từng năm, số hộ liên kết với công ty có tăng lên, hiện có gần 100 hộ và trong kế hoạch dài hạn khi trang trại được mở rộng, đầu tư thêm trang trại bò Tây Ninh 2 với quy mô 8.000 con thì số nông hộ tham gia cũng sẽ tăng theo.

Những mùa vàng trên đồng lúa hữu cơ

Sau khi vượt qua khâu kiểm tra giấy tờ, sát khuẩn ở cổng bảo vệ, chúng tôi được hướng dẫn thăm đồng lúa đang mùa thu hoạch. Mặt trời đã bắt đầu lên cao nhưng trên cánh đồng, những chiếc máy gặt đập liên hợp vẫn cần mẫn làm việc, chạy gặt theo hàng lối rồi quay đầu. Tiếng máy nổ xình xịch giòn tan và chỉ chịu tạm dừng lại để bỏ bớt các bao lúa xuống mặt ruộng khi lúa đã đầy bao, hết chỗ trên sàn. Sau đó, xe máy cày từ ngoài chạy vào chất các bao lúa lên chở về. Những bông lúa chín đều vàng ươm, cành nặng trĩu, hạt chắc mẩy nghiêng nghiêng khoe dáng dưới nắng trời đầu mùa khô ở vùng đất giáp biên, báo hiệu một mùa vụ bội thu.

Đang cùng các nhân viên của trang trại dùng thiết bị đo đạc, kiểm tra chất lượng hạt lúa, anh Nguyễn Văn Minh, Trưởng Ban Trồng trọt của trang trại, lau vội những giọt mồ hôi đọng trên trán, vui vẻ cho biết, trang trại trồng lúa hữu cơ với giống lúa ST25 chất lượng cao được 4 mùa, mỗi năm chỉ trồng 1 vụ, gieo sạ từ cuối tháng 8, cho thu hoạch vào tháng 11, năng suất trung bình từ 2,5-3 tấn/ha. So với mùa đầu tiên thì năng suất hiện đã tăng 70-80%. Do canh tác theo quy trình hữu cơ nên năng suất không thể cao so với canh tác truyền thống nhưng bù lại, chất lượng và giá thành cũng cao hơn.

Diện tích trồng lúa hiện tại gần 500ha nên sản phẩm chủ yếu là phục vụ cho nhu cầu của nhân viên Công ty Vinamilk hoặc có thể xay thành bột dùng làm thức ăn cho bò. Cám gạo cũng là phụ phẩm cho bò ăn. Mục đích chính trồng lúa không phải là bán thương mại mà phục vụ yêu cầu cải tạo đất. Anh Minh giải thích thêm: “Rơm sau khi thu hoạch xong sẽ phơi 2-3 nắng để đạt chuẩn khô 85-90% có thể cuộn vào cho bò ăn; rạ thì được cày vùi để tăng độ tơi xốp, tăng hàm lượng kali cung cấp dinh dưỡng cho đất”. Và với đất này, trang trại không chỉ trồng lúa mà có thể trồng cỏ, trồng bắp làm thức ăn cho bò. Anh Minh cũng cho hay, diện tích trồng lúa hữu cơ có thể được mở rộng, phụ thuộc vào sự chu chuyển của đàn bò, nếu đàn bò tăng số lượng thì diện tích trồng lúa sẽ tiếp tục được tăng lên.

Bò ở… nhà mát

Tạm biệt cánh đồng lúa, chúng tôi trở lại khu chăn nuôi bò thăm các “nàng” bò vào giữa trưa, có con đang lim dim, có con đang chậm rãi nhai cỏ, rơm được trang trại sử dụng robot để lùa thức ăn đến tận miệng. Chị Lê Thị Kiều Linh, phụ trách kỹ thuật khu chuồng trại bò sữa, chia sẻ: “Bí quyết để có đàn bò sữa tốt là nhân viên phải chăm chỉ, tỉ mỉ, xem bò như bò của nhà mình và kỹ thuật chăm sóc thì phải thực hiện theo quy trình chuẩn của công ty. Ví dụ, vắt sữa bò 3 lần một ngày, cho ăn 3 lần một ngày thì phải ổn định giờ giấc theo giờ vắt sữa, giờ cho ăn”. Chị Linh ví von: “Bò sữa mới sinh nên khá mẫn cảm. Chẳng hạn, hễ trời nắng nóng thì bò dễ bị stress và mỗi lần như vậy sẽ bị giảm sữa. Cho nên trang trại phải cung cấp những điều kiện tốt nhất như chuồng trại mát mẻ, tạo sự thoải mái thì bò mới khỏe mạnh”.

Năng suất vắt sữa hiện tại của trang trại Vinamilk Tây Ninh là 28kg/ngày vào thời điểm nắng nóng và 30kg/ngày vào lúc mát mẻ với chu kỳ vắt sữa là 305 ngày/ năm/con. Chúng tôi hỏi chị Linh “so với bò nuôi ở Đà Lạt thì năng suất, chất lượng sữa ở đây có khác?” thì được chị quả quyết: “Bò sữa xuất xứ từ nơi ôn đới, mát mẻ như ở Đà Lạt thì năng suất sẽ tốt hơn. Nhưng thực tế chất lượng sữa bò trong các trang trại của Vinamilk trên cả nước là đồng đều”.

Rời khu chăn nuôi bò sữa, chúng tôi trở lại khu văn phòng của trang trại Vinamilk và được anh Bùi Văn Toại, Giám đốc trang trại, cho biết thêm, trang trại hiện có quy mô 8.000 con bò, trong đó có 4.000 con đang vắt sữa. Cùng với hoạt động chăn nuôi thì trang trại duy trì khâu trồng cỏ, bắp, lúa xen canh, luân canh để đảm bảo thức ăn cho bò và cải tạo đất. Do trang trại hình thành ở vùng đất giáp biên có thời tiết nắng nóng nên Vinamilk đang áp dụng nhiều công nghệ mới với hệ thống làm mát chuồng trại nhằm giảm stress nhiệt cho bò. Trang trại Green Farm của Vinamilk ở Tây Ninh đạt chuẩn GlobalGAP (thực hành nông nghiệp tốt toàn cầu) và là mô hình nông nghiệp bền vững điển hình.

Hiện tại, các chỉ tiêu về tiết kiệm tài nguyên, tuần hoàn nước, chất lượng nguồn đất, phát thải CO2 đều được đo đạc, theo dõi hàng năm qua các báo cáo chuyên môn. Hướng đến Net Zero, trang trại Vinamilk đã cắt giảm tối đa lượng phát thải khí nhà kính ra môi trường, tận dụng tối đa năng lượng xanh, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn với mục tiêu “không có gì bị loại bỏ” như áp dụng công nghệ biogas để chuyển chất thải thành năng lượng tái tạo (thành khí đun nước nóng thanh trùng sữa cho bê, sấy cỏ và phục vụ hoạt động của trang trại; dùng phân bón hữu cơ để cải tạo, tăng độ phì nhiêu của đất…).

Tin cùng chuyên mục