Ấn tượng về một ngôi trường

Đồng Nai là một trong những tỉnh có tốc độ phát triển kinh tế thuộc nhóm cao nhất nước, hiện nằm trong tốp đầu về thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) và với vị trí trung tâm của khu vực Đông Nam bộ, đã có nhiều trường đại học (ĐH) ra đời để đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao khối các ngành Công nghệ, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế của cả vùng. Trong số đó có Trường ĐH Công nghệ miền Đông.
Trong giờ thực hành của SV ngành Dược học
Trong giờ thực hành của SV ngành Dược học

Đi giữa màu xanh giảng đường

Tọa lạc ở huyện Thống Nhất, không phải ở nội ô thành phố Biên Hòa hay các đô thị khác trong khu vực nên muốn đến được trường phải vượt qua quãng đường dài 70 km từ TPHCM hay 50 km từ TP Biên Hòa nhưng với đường cao tốc TPHCM – Long Thành – Dầu Giây thì việc di chuyển trở thành đơn giản khi chỉ mất khoảng một giờ đồng hồ từ TPHCM thì khách đã đặt chân đến cổng trường. 

Bước vào trong, ấn tượng đầu tiên đập vào mắt khách phương xa chính là sự khang trang, hiện đại của khu nhà làm việc, giảng đường và ký túc xá – tất cả đều được xây dựng mới lại được bố trí trong một không gian xanh mát của cây cối với phần lớn trong tổng diện tích khuôn viên của trường 10ha là cây xanh như bàng, xà cừ, phượng và thảm cỏ nên cảm giác thật dễ chịu – cái nắng của mùa hè miền Đông như dịu đi rất nhiều.  

Khu giảng đường

Đặc biệt, với kinh nghiệm từ ngành Công an chuyển sang nên thầy Hiệu trưởng đã rất chú ý đến công tác đảm bảo an ninh học đường. Từ năm học 2014 – 2015 đến nay, tình hình an ninh trật tự trong trường và ký túc xá tương đối ổn định nhờ việc tuân thủ nghiêm nội quy ký túc xá, không có trường hợp nào sử dụng ma túy, heroin, tổ chức mại dâm, truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy và chỉ xảy ra 4 vụ trộm cắp, trong đó có một vụ tìm lại được tài sản. Năm 2017, Trường đã được UBND tỉnh Đồng Nai công nhận là cơ quan đạt chuẩn an toàn về an ninh trật tự.

Và với sinh viên khi được học tập trong một môi trường xanh mát và an inh như vậy sẽ giúp họ dễ dàng tiếp thu bài giảng, tạo ý thức yêu quý thiên nhiên, giúp họ thêm gắn bó với việc học và có thể giúp quá trình tư duy hình thành những ý tưởng hay trong nghiên cứu, học tập. 

Khu ký túc xá


Sớm định hình hướng đi

Ấn tượng thứ hai với chúng tôi chính là tầm nhìn – định hướng xây dựng và phát triển nhà trường được vạch ra bởi người đứng đầu là NGND.GS-TS Trương Giang Long (Hiệu trưởng nhà trường – nguyên là Thiếu tướng Giám đốc Học viện Chính trị Công an Nhân dân). Sau cái vồn vã chân thật đầy chất lính là những suy tư cho kế hoạch phát triển. 

Trường Đại học Công nghệ miền Đông được thành lập theo Quyết định số 2168/QĐ-TTg ngày 11-11-2013 của Thủ tướng Chính phủ. Ngoài chuyện cơ sở vật chất thì công việc đầu tiên của trường chính là chăm lo xây dựng đội ngũ giảng viên. Một loạt cán bộ giảng dạy có học hàm, học vị và tận tâm với nghề từ nhiều trường danh tiếng ở khu vực TPHCM và cả nước đã được mời về đảm nhận những vị trí chủ chốt của các khoa, phòng như PGS-TS-NGND Huỳnh Văn Hoàng - nguyên là Hiệu Trưởng Trường ĐH Bách Khoa TPHCM; PGS.TS Dược học Trần Công Luận - nguyên là Giám đốc Trung tâm Sâm và Dược liệu – Viện Dược liệu, Bộ Y Tế; Nguyên trưởng bộ môn Dược cổ truyền - ĐH Y dược TPHCM… Và nhà trường đã có những chế độ đãi ngộ phù hợp để các thầy cô yên tâm giảng dạy và gắn với với trường.   

Việc thứ hai là lo soạn giáo trình. Trường đã tiến hành mua lại bản quyền giáo trình của các trường ĐH tốt nhất để soạn nên bộ giáo trình riêng của nhà trường và hàng năm đều được bổ sung thêm kiến thức mới để đảm bảo các giáo trình dạy cho SV không bị lạc hậu theo thời gian. Trường phấn đấu trong vòng 5 năm tới sẽ xây dựng được bộ giáo trình riêng. 

Do đó, dù mới bước vào năm học thứ 5 nhưng trường đang thu hút hơn 4.000 sinh viên (SV) theo học hệ ĐH với 10 ngành đào tạo, 56 học viên (HV) cao học. Trong tháng 9-2018, trường dự kiến tuyển sinh thêm 200 HV cao học hệ chính quy khóa mới với nhiều ngành đào tạo như: Chính sách công, Luật Kinh tế, Luật Tố tụng hình sự, Quản lý kinh tế, Quản lý giáo dục, Ngôn ngữ Anh, Luật Hiến pháp và Luật Hành chính… 

Trung tâm thí nghiệm – thực hành

Khi được hỏi về “trách nhiệm của trường gắn với hai chữ công nghệ để đáp ứng nhu cầu của nguồn nhân lực của cả khu vực?”, GS-TS Trương Giang Long vui vẻ cho biết: “Ngay từ đầu trường đã gắn đào tạo với nhu cầu của thị trường lao động và luôn tìm cách kích cầu đào tạo, đón đầu các nhu cầu đào tạo ngành nghề của các tỉnh trong khu vực kinh tế năng động Đông Nam bộ, nhất là các ngành công nghệ cung ứng lao động cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ở các khu công nghiệp - khu chế xuất - khu công nghệ cao, góp phần giải bài toán về nhân lực cho tỉnh Đồng Nai và các tỉnh lân cận”.

Trường đã từng bước đi sâu nghiên cứu, mở các khóa đào tạo lại cho người lao động trong các doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam nhằm nâng cao tay nghề theo yêu cầu của các doanh nghiệp FDI, đào tạo các ngành công nghệ để đào tạo lao động trong nước để đi làm việc tại Hàn Quốc và đang có kế hoạch đàm phán với phía Hàn Quốc để mở trung tâm đào tạo ứng dụng công nghệ ngay tại trường. Trường cũng lập Phòng Quan hệ doanh nghiệp để lo đầu ra cho SV, liên kết đào tạo với các doanh nghiệp như Công ty Ô tô Trường Hải để SV thực hành tại doanh nghiệp và sau đó khi ra trường làm việc luôn cho Trường Hải. 

Trong tương lai gần, nhà trường sẽ xây dựng một trung tâm văn hóa Việt - Hàn ngay tại trường nhằm giúp SV của trường ngoài việc được trang bị kỹ năng cần thiết về công nghệ thì cũng có được một vốn kiến thức văn hóa căn bản, tạo thêm sự tự tin và cơ hội thành công cho SV khi tham gia vào thị trường lao động tại Hàn Quốc hay làm việc trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư từ Hàn Quốc ở trong nước.

Với kinh nghiệm lãnh đạo Học viện Chính trị Công an nhân dân và với những định hình về hướng đi rõ ràng, gắn đào tạo với nhu cầu của thị trường lao động của khu vực Đông Nam bộ, chúng tôi tin rằng trường sẽ sớm hoàn thành được mục tiêu đề ra và khẳng định được vai trò hàng đầu trong khối các trường Công nghệ của khu vực phía Nam và cả nước.

Tin cùng chuyên mục