Tỏi có thể là liệu pháp hiệu quả để ngăn ngừa nhiễm độc thạch tín (arsenic), vấn nạn đe dọa hàng triệu người, nhất là ở Bangladesh và Ấn Độ, đang phải uống nước nhiễm độc thạch tín. Giáo sư Keya Chaudhuri thuộc Viện Sinh hóa Ấn Độ ở Kolkata cùng các đồng nghiệp đã thí nghiệm cho các con chuột uống nước có thạch tín hàng ngày, với mức thạch tín tương đương trong nước ngầm ở Bangladesh và Tây Bengal (Ấn Độ).
Đồng thời, một nhóm chuột trong số đó được cho ăn chất trích từ tỏi. Kết quả cho thấy, nhóm chuột có ăn tỏi giảm 40% mức thạch tín trong máu và gan, chúng cũng thải thạch tín qua nước tiểu nhiều hơn 45% so với nhóm chuột không ăn tỏi. Kết quả nghiên cứu vừa công bố trên tạp chí New Scientist ngày 14-1.
Theo Chaudhuri, các hợp chất chứa lưu huỳnh trong tỏi đã lọc sạch thạch tín khỏi các mô và và khỏi máu. Bà khuyên những người sống ở các vùng có nguy cơ nhiễm độc thạch tín nên ăn một vài tép tỏi mỗi ngày để ngăn ngừa. K.V. (theo New Scientist)
Đi bộ bao nhiêu mới đủ giữ cơ thể cân đối?
Trên tạp chí Journal of Physical Activity and Health, 14 nhà khoa học từ Australia, Canada, Pháp và Thụy Điển vừa công bố một kết quả nghiên cứu nhằm đưa ra một hướng dẫn tổng quát cho những người muốn kiểm soát trọng lượng cơ thể thông qua việc đi bộ hàng ngày.
Theo đó, để giữ gìn cơ thể cân đối, phải xem xét độ tuổi, giới tính và khả năng sức khỏe để chọn chế độ đi bộ phù hợp. Dựa vào kết quả nghiên cứu tại nhiều nước với 3.127 người mạnh khỏe trong độ tuổi từ 19-94, trong đó có 976 nam, các nhà khoa học đưa ra hướng dẫn sau: Người trên 50 tuổi không nên đi bộ quá 11.000 bước/ngày với nam và không quá 10.000 bước/ngày với nữ.
Phụ nữ từ 18-40 tuổi nên đi bộ 12.000 bước/ngày; phụ nữ từ 40-50 tuổi nên đi bộ 11.000 bước/ngày; phụ nữ từ 50-60 tuổi nên đi bộ 10.000 bước/ngày; phụ nữ trên 60 tuổi đi bộ 8.000 bước/ngày; nam giới từ 18-50 tuổi nên đi bộ 12.000 bước/ngày; nam giới trên 50 tuổi nên đi bộ 11.000 bước/ngày. B.Lam (theo Science Daily)