Hiểm họa khôn lường
Theo Hội Hóa học Việt Nam (VRCC), các quy định về sử dụng, vận chuyển các loại hóa chất, đặc biệt là hóa chất nguy hiểm, còn rất lỏng lẻo dẫn đến nhiều sự cố trong thời gian qua. Không ít vụ cháy, nổ hóa chất gây thiệt hại nặng cả về người và tài sản. Có thể kể đến vụ cháy tại cửa hàng kinh doanh thiết bị, phụ kiện, hóa chất làm tóc tại số 146 Nguyễn Trãi, quận 5, TPHCM vào năm 2014; vụ nổ tại chi nhánh Công ty TNHH SX TM Đặng Huỳnh trên đường Lê Thị Riêng, quận 12, TPHCM cũng năm 2014 hay vụ cháy kho sơn và hóa chất của Công ty TNHH TM - DV Vân Trúc, phường Bình Hòa, Thuận An, tỉnh Bình Dương trong năm 2015, đã thiêu rụi hơn 2.000m2 nhà kho cùng hàng trăm thùng chứa sơn, 4 ô tô. Đặc biệt là vụ nổ kho hóa chất tại nhà dân ở xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng trong năm 2015, khiến 17 chiến sĩ PCCC bị bỏng nặng...
Trao đổi về lĩnh vực này, TS Đỗ Duy Phi cho biết, các sự cố thường gặp là do nổ loại hóa chất công nghiệp dễ cháy, nổ bình gas trong khu dân cư, nổ đường dẫn khí nồi hơi, đường dẫn trong các nhà máy lọc dầu. Các chất lỏng dễ cháy như xăng dầu và dung môi dễ bay hơi trong các sản phẩm công nghiệp (sơn, mực in, chất kết dính và các chất lỏng làm sạch) có thể bắt cháy hoặc phát nổ trong một điều kiện nhất định, nhất là khi có sự bất cẩn hoặc mất an toàn trong sản xuất. Các nguyên nhân gây cháy nổ thường gặp chủ yếu do sử dụng hóa chất không đảm bảo tiêu chuẩn an toàn; sử dụng nguồn nhiệt, ngọn lửa trần không đảm bảo an toàn tại khu vực bảo quản, sử dụng hóa chất (hút thuốc lá, đun nấu…). Trong quá trình hoạt động sản xuất, bảo quản, vận chuyển và sử dụng hóa chất, nếu không thực hiện nghiêm các quy định an toàn sẽ dễ xảy ra sự cố về hóa chất. Nếu hóa chất cháy nổ, rò rỉ, phát tán sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe của con người và thiệt hại lớn về tài sản, gây hại các loài động - thực vật, môi trường và có thể gây xấu đến an toàn xã hội.
Chủ động phòng ngừa
Theo Bộ Công thương, các quy định pháp luật về phòng ngừa, xử lý, cấp giấy phép vận chuyển, kinh doanh hóa chất… đều đã có. Song các tổ chức, cá nhân thực hiện đến đâu lại là chuyện hoàn toàn khác. Để hạn chế những rủi ro, sự cố trong quá trình sử dụng, vận chuyển hóa chất, Bộ Công thương cũng đưa ra một số quy định cụ thể đối với người sử dụng và phương tiện vận chuyển; các biểu trưng và báo hiệu. Theo đó, đối với các yêu cầu về biểu trưng và báo hiệu phải được thể hiện bằng tiếng Việt, tiếng Anh rõ nghĩa, dễ đọc và có màu sắc tương phản với màu nền của phương tiện chứa hóa chất; có độ bền đủ chịu được tác động của thời tiết và các tác động thông thường khác khi bốc xếp, vận chuyển. Trong khi đó, người điều khiển hoặc người áp tải phải hiểu nội dung, sử dụng thành thạo trang thiết bị xử lý sự cố... Xe chuyên dụng vận chuyển hóa chất lỏng phải có dây tiếp đất và biển cấm lửa. Trên đường vận chuyển hóa chất nguy hiểm không được dừng phương tiện nơi công cộng như chợ, trường học, bệnh viện... Đối với người làm việc tại cơ sở có tiếp xúc với hóa chất, phải được đào tạo và cấp thẻ an toàn lao động. Định kỳ, các chủ cơ sở có sử dụng hóa chất phải mở lớp bồi dưỡng kiến thức về PCCC, vệ sinh an toàn cho người lao động. Bên cạnh đó, Bộ Công thương cũng tiến hành các cuộc kiểm tra về an toàn hóa chất và yêu cầu các tổ chức, cá nhân báo cáo việc sử dụng hóa chất theo quy định.
Theo ông Đỗ Thanh Bái, Phó Chủ tịch VRCC, các tổ chức, cá nhân khi sử dụng hóa chất cần phải nâng cao trách nhiệm cũng như ý thức của mình. Phải xác định “Phòng cháy hơn chữa cháy”. Do vậy, khi thiết kế nhà kho, nơi sử dụng hóa chất phải xem xét hướng gió chủ đạo và bố trí kho, xưởng sản xuất đặt cuối hướng gió, cách xa nguồn nước, khu dân cư, xung quanh phải có hàng rào bảo vệ. Cơ sở phải phân loại và xếp riêng biệt các loại hóa chất dễ cháy nổ, hóa chất kỵ nước...
Trong quá trình vận chuyển phải đảm bảo các yêu cầu về chở hàng nguy hiểm; tuân thủ các điều kiện về đóng gói bao bì, vật chứa, ghi nhãn và biểu trưng, báo hiệu nguy hiểm. Việc đóng gói hàng nguy hiểm và sử dụng các loại vật liệu dùng để làm bao bì, vật chứa hàng nguy hiểm phải đáp ứng các quy định của tiêu chuẩn quốc gia. Ngoài ra, bao bì, vật chứa hàng nguy hiểm phải đủ độ bền chắc để chịu được những va chạm, tác động trong quá trình vận chuyển, chuyển tiếp xếp dỡ; có khả năng chống được sự ăn mòn, không bị han gỉ, không phản ứng hóa học với chất chứa bên trong; có khả năng chống thấm, kín và chắc chắn để đảm bảo không rò rỉ khi vận chuyển trong điều kiện bình thường và hạn chế tối đa sự rò rỉ ra môi trường trong trường hợp xảy ra sự cố. Đối với phương tiện được sử dụng để vận chuyển hóa chất nguy hiểm phải có thiết bị che, phủ kín toàn bộ khoang trở hàng. Trang thiết bị che phủ phải phù hợp với yêu cầu chống thấm, chống cháy, chịu được sự va đập và đảm bảo an toàn, hạn chế sự rò rỉ các chất độc hại và lây nhiễm ra môi trường trong trường hợp xảy ra sự cố.
Ông Đỗ Thanh Bái cho biết thêm, trong thời gian tới VRCC sẽ tăng cường mở thêm các khóa đào tạo, huấn luyện cho các doanh nghiệp, với nhiều chủ đề, như phương pháp xây dựng ma trận phản ứng đối với các sản phẩm là hỗn hợp hóa chất nguy hiểm; ứng phó sự cố, xử lý tràn hóa chất; chương trình kiểm soát hóa chất tại doanh nghiệp… Ngoài ra, VRCC cũng thực hiện thuê tên miền, nâng cấp trang mạng điện tử cả về nội dung lẫn hình thức để các doanh nghiệp cập nhật thông tin.