Tình hình phức tạp, nguy hiểm
Năm nay không về quê nên gia đình chị Nguyễn Thị Mai (ở quận 12) đã lên kế hoạch đón tết tại TPHCM. Để có một cái tết vui, đầm ấm và tiết kiệm, thực phẩm là mối quan tâm hàng đầu của chị Mai. Chị Mai và một số đồng nghiệp bàn nhau đặt hàng đặc sản từ quê một người bạn.
“Thịt bò, thịt heo, cá thì chúng tôi đặt từ quê, các món rau, củ, mứt thì đến cận tết tôi sẽ đi siêu thị mua chứ không dám mua ở chợ”, chị Mai cho hay.
Còn chị Thanh Hà (ngụ TP Thủ Đức) thì năm nào cũng được “tiếp tế” thực phẩm từ quê. “Bình thường hàng tháng mẹ tôi vẫn gửi thực phẩm ở quê lên nên tết tôi cũng nhờ mẹ gửi luôn, chứ mua bên ngoài cũng chưa hoàn toàn an tâm”, chị Hà chia sẻ.
Không yên tâm là tâm lý chung của nhiều người tiêu dùng về các mặt hàng thực phẩm bán trên thị trường. Thực tế, nhiều năm qua, quản lý ATTP vẫn là bài toán gây đau đầu cho cơ quan quản lý không chỉ riêng TPHCM mà còn nhiều địa phương khác.
Càng gần đến Tết Nguyên đán, số vụ việc thực phẩm bẩn, không rõ nguồn gốc bị cơ quan chức năng bắt giữ càng nhiều, khiến người tiêu dùng bất an. Đơn cử, giữa tháng 11 vừa qua, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (PC05 - Công an TPHCM) phối hợp Công an quận 8 kiểm tra kho lạnh một công ty chuyên cung cấp nông sản cho chợ đầu mối Bình Điền đã phát hiện gần 12 tấn rau củ không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Tất cả hàng hóa đều không có nhãn phụ tiếng Việt và không có hóa đơn chứng minh nguồn gốc.
Còn tại Đồng Nai, cơ quan chức năng đã phát hiện và thu giữ 2,2 tấn gà chết bốc mùi hôi thối ở phường Trảng Dài (TP Biên Hòa). Chủ hàng khai mua số gà chết, gà bệnh với giá 4.000 đồng/kg rồi về xử lý, sau đó đem đi tiêu thụ tại nhiều nơi trên địa bàn tỉnh và cả TPHCM.
Thực tế, thực phẩm tiêu thụ tại TPHCM phần nhiều từ các tỉnh, thành lân cận đổ về. Trong đó, hệ thống phân phối hiện đại chiếm khoảng 30% tổng lượng hàng hóa thực phẩm tươi sống, 70% còn lại ở các chợ đầu mối và chợ truyền thống. Đáng nói, trong khi thực phẩm tại các chợ đầu mối, chợ truyền thống gần như chưa được kiểm soát thì nguy cơ thực phẩm không rõ nguồn gốc “đội lốt” chuẩn VietGAP len lỏi vào cả các siêu thị.
Bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban Quản lý ATTP TPHCM, lo ngại, ở hệ thống siêu thị lớn, việc quản lý tương đối chặt chẽ nhưng thực phẩm không rõ nguồn gốc vẫn len lỏi được thì tình hình trở nên phức tạp và nguy hiểm.
Sở Công thương TPHCM công bố số lượng hàng hóa lương thực, thực phẩm dự kiến phục vụ cho các tháng Tết Quý Mão 2023 với gần 40.000 tấn. Trong đó, lương thực 5.253 tấn, đường 2.031 tấn, dầu ăn 2.356 tấn, thịt gia súc 5.603 tấn, thịt gia cầm 8.481 tấn, trứng gia cầm 54,4 triệu quả, thực phẩm chế biến 1.485 tấn, rau củ quả 9.255 tấn, thủy hải sản 297 tấn và gia vị 1.600 tấn. |
Nỗ lực đảm bảo thực phẩm an toàn
Nhằm đảm bảo thực phẩm lưu thông trên thị trường an toàn, Ban Quản lý ATTP TPHCM đã triển khai nhiều đợt tăng cường kiểm tra ATTP trên toàn địa bàn. Trong đó, chú trọng kiểm tra tại các cơ sở phân phối, chợ truyền thống, hệ thống siêu thị, hàng hóa lưu thông trên thị trường; xử lý nghiêm các sai phạm. Trong 10 tháng đầu năm 2022, các lực lượng chức năng đã thanh tra, kiểm tra 26.005 cơ sở, phát hiện 2.602 cơ sở vi phạm về ATTP, xử phạt 633 cơ sở với tổng số tiền gần 10 tỷ đồng… Cơ quan chức năng cũng rà soát 10.460 sản phẩm thực phẩm chức năng và thực phẩm bảo vệ sức khỏe trên các trang web kinh doanh và phát hiện 53 sản phẩm có dấu hiệu vi phạm, chuyển thanh tra theo dõi, xử lý theo quy định.
“Từ nay đến cuối năm là thời điểm chúng tôi làm việc rất căng thẳng. Hiện nay, chúng tôi đang đẩy mạnh kiểm tra các hệ thống kho trữ bởi nguy cơ nhiều loại nguyên liệu quá đát, ôi thiu có thể được dự trữ để chế biến hàng tết. Bên cạnh đó, tăng cường kiểm tra thị trường quà tặng, quà biếu, bởi mặt hàng này có nguy cơ sử dụng hàng quá hạn, đặc biệt là thực phẩm chế biến sẵn như bánh mứt, kẹo, rượu, lạp xưởng, xúc xích”, bà Phạm Khánh Phong Lan cho biết.
Song song với việc siết hoạt động thanh tra, kiểm tra dịp cuối năm, Ban Quản lý ATTP TPHCM cũng nỗ lực tìm nguồn thực phẩm sạch, đủ tiêu chuẩn phục vụ nhu cầu tiêu thụ của người dân thành phố, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán. Đến thời điểm này, ban đã kết nối với 15 tỉnh, thành khu vực phía Nam lập ra các chuỗi thực phẩm an toàn nhằm cung ứng nhu cầu tiêu thụ của người dân. Đến hết tháng 11, có 586 cơ sở tham gia đề án chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn với 736 giấy chứng nhận.
Theo bà Phạm Khánh Phong Lan, Tết Quý Mão 2023 là một cái tết tương đối khó khăn với đại đa số người dân bởi ảnh hưởng của dịch Covid-19, kinh tế chưa hoàn toàn phục hồi. Trong khi đó, thị trường cuối năm có nhiều biến động, nhiều lao động mất việc, túi tiền của người dân vô cùng eo hẹp, mua hàng ít đi hoặc ưu tiên hàng giá rẻ, trôi nổi, không rõ nguồn gốc; như vậy nguy cơ không đảm bảo ATTP càng lớn hơn. Do đó, người dân ngày tết không nên tích trữ quá nhiều thực phẩm, nên chọn mua ở nơi đảm bảo uy tín chứ không nên ham rẻ mà có thể rước họa vào thân. |