Vụ cháy tàu Hải Hà 18 (xảy ra ngày 10-3-2018 tại cảng Đình Vũ, Hải Phòng) gây thiệt hại khoảng hơn 7 tỷ đồng và ảnh hưởng xấu đến môi trường xung quanh. Rút kinh nghiệm từ vụ cháy, đồng thời chủ động phòng ngừa hạn chế thấp nhất các vụ cháy, nổ liên quan đến hoạt động xuất, nhập xăng dầu, từ ngày 27 đến 30-3-2018, Cảnh sát PCCC TPHCM tổ chức đoàn kiểm tra về an toàn PCCC tại một số cảng biển, cảng thủy nội địa trọng điểm của TP, gồm: Nhà máy lọc dầu Cát Lái, Xí nghiệp Tổng kho xăng (PVOIL) và Tổng kho xăng dầu Nhà Bè.
Trong đợt kiểm tra này, đoàn công tác đã tập trung rà soát các điều kiện đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy - cứu nạn cứu hộ (PCCC - CNCH) tại khu vực cầu cảng và khu vực sang nạp xăng dầu cho xe bồn, cùng với việc đầu tư trang bị lẫn chất lượng hoạt động của lực lượng PCCC chuyên ngành... Kết quả nhìn chung cả 3 cơ sở đều đảm bảo thực hiện đầy đủ những quy định về đảm bảo an toàn phòng chống cháy nổ như: công tác thẩm duyệt, nghiệm thu về PCCC; hệ thống giao thông đảm bảo cho xe chữa cháy hoạt động; nguồn nước phục vụ chữa cháy; điều kiện an toàn hệ thống điện, hệ thống chống sét; khoảng cách an toàn PCCC; tình trạng hoạt động của các hệ thống kỹ thuật PCCC tại chỗ... Bên cạnh đó, quy trình xuất nhập xăng, dầu đối với các phương tiện đường thủy lẫn đường bộ cũng được các cơ sở giám sát, tuân thủ chặt chẽ.
Điều đáng mừng là cả 3 cơ sở đều đồng nhất quan điểm không tiết kiệm đối với công tác đảm bảo an toàn PCCC - CNCH. Bởi, nếu không may xảy ra sự cố thì bản thân cơ sở sẽ gánh chịu hậu quả trước tiên, nặng nề nhất. Vì lẽ đó, cả Nhà máy lọc dầu Cát Lái, Xí nghiệp Tổng kho xăng (PVOIL) và Tổng kho xăng dầu Nhà Bè đều đầu tư mạnh cho đội ngũ PCCC chuyên ngành tại chỗ. Lực lượng này được đầu tư đầy đủ, đồng bộ, có năng lực xử lý tình huống khẩn cấp tốt.
Cũng trong quá trình kiểm tra, một vấn đề đáng lưu tâm nổi lên chính là việc xem nhẹ công tác PCCC của một số tàu hoạt động vận tải xăng dầu ở khu vực cầu cảng của các cơ sở. Chẳng hạn như, trên tàu có trang bị hệ thống chữa cháy bằng khí CO2, hệ thống chữa cháy bằng Foam, bình chữa cháy xách tay các loại, nhưng trên thực tế kiểm tra phát hiện những hệ thống, phương tiện PCCC ấy đều đã bị hư hỏng hoặc mất tác dụng, không đảm bảo an toàn PCCC...
Qua kiểm tra, đoàn đã yêu cầu người đứng đầu các đơn vị nói trên phải cập nhật, bổ sung tình huống cháy nổ tại phương tiện vận tải thủy đang xuất xăng dầu vào cầu cảng trong phương án chữa cháy. Đồng thời, xây dựng bổ sung phương án cứu nạn, cứu hộ của cơ sở. Tăng kiểm tra, bảo trì, bảo dưỡng các hệ thống, phương tiện PCCC định kỳ theo quy định; tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ PCCC cho lực lượng PCCC tại chỗ tập trung vào các phương pháp, biện pháp thực hiện các thao tác sử dụng phương tiện, hệ thống PCCC. Thực hiện đúng các quy trình xuất nhập xăng dầu đã được cơ sở ban hành. Tiến hành giám sát việc chấp hành quy định sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt tại khu vực bãi đậu xe chờ xuất nhập xăng dầu. Thường xuyên chấp hành nghiêm các quy trình xuất nhập, tồn trữ, vận chuyển, sử dụng xăng dầu và các chất hàng nguy hiểm cháy nổ khác trong khuôn viên cơ sở. Quản lý chặt chẽ đối với các phương tiện ra vào xuất nhập xăng dầu (giấy phép vận chuyển, chứng chỉ huấn luyện PCCC, phương tiện chữa cháy…). Phối hợp Cảnh sát PCCC TP tổ chức thực tập phương án chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ định kỳ theo quy định.
Để đảm bảo an toàn PCCC - CNCH tại các cơ sở hoạt động liên quan đến xuất nhập xăng dầu cần thắt chặt quản lý đối với các nguồn sinh lửa, sinh nhiệt. Bên cạnh niêm yết biển cấm hút thuốc, lắp đặt camera giám sát, nhà máy cần xử lý nghiêm, thậm chí là “cắt tài” đối với tài xế nếu bị phát hiện hút thuốc trong phạm vi cấm mà cơ sở đã đưa ra.