Cẩn trọng ngăn ngừa hiểm họa
Mới đây, đến trường nơi con tôi đang học để họp phụ huynh học sinh, tôi lo ngại khi thấy có những chậu hoa, cây cảnh đặt trên mặt ban công hoặc treo lơ lửng trên các tầng cao. Việc này nhằm trang trí và làm không gian xanh mát, tuy nhiên tiềm ẩn hiểm họa, mất an toàn cho học sinh nếu lỡ các chậu này rơi xuống trúng người. Trẻ học tiểu học thường rất nghịch ngợm và chưa đủ ý thức giữ an toàn, nên thường leo trèo, chạy nhảy, xô đẩy nhau, bất chấp nguy hiểm. Đôi khi chỉ vì tính tò mò, hiếu kỳ, nhiều em có thể leo trèo lên các bờ tường hoặc lấy các chậu hoa từ trên cao xuống, rất dễ xảy ra tai nạn. Do vậy việc đặt các chậu trên tầng cao cần phải thiết kế chắc chắn, an toàn.
Ở trường học, nhất là ở bậc mẫu giáo, tiểu học, việc thiết kế cửa, bàn ghế, tủ kệ cũng cần ngăn ngừa được việc trẻ leo trèo gây đổ sập, bị kẹt tay, bị vật sắc nhọn đâm phải. Nhà trường phải chú trọng tiêu chí chắc chắn, an toàn lên hàng đầu. Cùng với việc căn dặn học sinh có ý thức phòng tránh hiểm họa, nhà trường cần thường xuyên kiểm tra, giám sát, khắc phục những nguy cơ xảy ra tai nạn cho học sinh và có thể kịp thời sơ cứu khi học sinh bị tai nạn.
Để mỗi ngày đến trường thực sự là một ngày vui
Thực tế vẫn còn một số trường lớp chưa đảm bảo an toàn cho học sinh do cơ sở vật chất cũ kỹ, chưa được sửa chữa kịp thời, sân trường trơn trượt, suất ăn trưa chưa đảm bảo an toàn thực phẩm… dẫn đến tai nạn, gây tổn thương tâm lý, sức khỏe, thậm chí tính mạng cho học sinh. Dù ngành giáo dục đã đẩy mạnh việc quản lý nhằm ngăn ngừa tình trạng bạo lực học đường, nhưng đâu đó vẫn còn xảy ra tình trạng bạo lực giữa học sinh với học sinh, giữa giáo viên với học sinh, gây ra hậu quả đáng tiếc.
Để hạn chế tối đa những tai nạn thương tích, bạo lực học đường, giúp cho phụ huynh yên tâm khi đưa con đến trường, đòi hỏi các trường học phải đẩy mạnh hơn nữa công tác quản lý, như kịp thời sửa chữa cơ sở vật chất đảm bảo an toàn, chắc chắn. Đối với các trường học có tổ chức bữa ăn bán trú, phải mua nguyên liệu ở những nơi đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, kiểm tra chặt chẽ quy trình chế biến thức ăn. Không ngừng tuyên truyền, giáo dục, yêu cầu học sinh, giáo viên nói không với bạo lực học đường, phát huy mạnh mẽ vai trò giáo viên chủ nhiệm, giáo viên chuyên trách làm công tác tư vấn tâm lý, để học sinh có thể chia sẻ những bức xúc, ngăn chặn kịp thời tình trạng học sinh đánh nhau trong và ngoài trường học.
An toàn trong trường học phải luôn được đặt lên hàng đầu trong công tác giáo dục hiện nay, là nhiệm vụ quan trọng trong thực hiện kế hoạch năm học không chỉ của nhà trường mà cả các cấp, các ngành, nhằm góp phần xây dựng một xã hội an toàn, lành mạnh.
VĂN THI HOÀNG (Trường THCS Phan Bội Châu, TP Hội An)
Chăm sóc, bảo vệ để trẻ phát triển lành mạnh
Hiện nay công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em của nước ta đã có nhiều tiến bộ vượt bậc; điều kiện sức khỏe, sinh hoạt, học tập, vui chơi giải trí, phát triển năng lực trẻ em được cải thiện rất nhiều. Tuy nhiên, những điều không an toàn, chưa bảo đảm sự phát triển lành mạnh cho trẻ vẫn còn diễn ra, thậm chí với mức độ ngày càng đáng báo động hơn.
Chẳng hạn, vẫn có các nguy cơ tai nạn ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của trẻ, nhất là đuối nước, tai nạn giao thông, thiếu an toàn thực phẩm, các hành vi xâm hại đến thân thể, danh dự của trẻ.
Chương trình học hiện nay vẫn khá nặng nề và chưa hài hòa giữa việc học văn hóa và rèn luyện thể chất, giữa học chính khóa và học kỹ năng sống, khiến trẻ mất quá nhiều thời gian cho việc học, việc thi cử mà ít có điều kiện vui chơi, giải trí, trải nghiệm. Rất cần trang bị cho trẻ các kỹ năng phòng vệ để phòng tránh tai nạn, đối phó với các tình huống bất an, có ý thức giữ gìn sức khỏe.
Lẽ dĩ nhiên, việc chăm sóc, bảo vệ trẻ em trên thực tế phải do nhận thức của cha mẹ, người lớn, cùng sự tác động mạnh mẽ từ phía các đoàn thể, các cơ quan truyền thông. Hãy đồng hành để trẻ phát triển lành mạnh, an toàn.
TRÚC GIANG (quận 3, TPHCM)