Để có những chuyến tàu về quê an toàn, sum họp gia đinh vui vẻ, vấn đề mấu chốt vẫn là ý thức của mỗi người khi tham gia giao thông. Bởi các cấp, các ngành có tăng cường tuần tra, xử lý kết hợp tuyên truyền như thế nào mà người dân vẫn thiếu ý thức, vi phạm các quy định khi qua lại các đường ngang thì nguy cơ tai nạn giao thông (TNGT) đường sắt vẫn có thể xảy ra.
Theo Cục Cảnh sát giao thông, những năm gần đây, TNGT đường sắt tuy đã được kiềm chế, giảm cả về số vụ, số người chết và bị thương, nhưng kết quả chưa ổn định, còn xảy ra những vụ gây hậu quả nghiêm trọng. Cụ thể, từ năm 2016 đến tháng 6-2019, cả nước đã xảy ra 972 vụ TNGT đường sắt, làm 535 người chết, 589 người bị thương. Đặc biệt, tình hình lợi dụng phương tiện đường sắt để vận chuyển hàng hóa không rõ nguồn gốc, gian lận thương mại vẫn còn diễn biến phức tạp.
Hiện nay, quản lý nhà nước về giao thông vận tải đường sắt ở một số lĩnh vực vẫn còn hạn chế, đặc biệt là công tác quản lý hành lang an toàn giao thông đường sắt, xử lý các đường ngang dân sinh trái phép. Cũng như bàn về các giải pháp hạn chế, ngăn ngừa TNGT đường sắt do kết cấu hạ tầng giao thông chưa đảm bảo, cấp phép xây dựng các công trình rất sát đường sắt gây nguy hiểm...
Để đảm bảo an toàn giao thông, ngành đường sắt và lực lượng cảnh sát giao thông tiếp tục rà soát, đề xuất tham mưu cho lãnh đạo các cấp sửa đổi, bổ sung, hệ thống hóa các văn bản quy phạm pháp luật nhằm đảm bảo tính ứng dụng, thực tế phục vụ công tác kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính nói chung và công tác bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông đường sắt nói riêng.
Tập trung nắm tình hình, điều tra cơ bản ở các tuyến, địa bàn giao thông trọng điểm, phức tạp để nắm chắc tình hình hoạt động của tội phạm trên các tuyến giao thông, kịp thời phát hiện những sơ hở, thiếu sót trong công tác quản lý nhà nước về giao thông đường sắt. Tiếp tục phối hợp chặt chẽ, thường xuyên với các lực lượng khác của Bộ Công an, ngành đường sắt trong đấu tranh phòng chống tội phạm, khủng bố, cháy nổ tại các nhà ga, trên các đoàn tàu. Đặc biệt là phòng chống vận chuyển hàng lậu, hàng gian lận thương mại trên các tuyến giao thông đường sắt, kể cả các đối tượng vận chuyển bằng tàu liên vận quốc tế.
Đi đến nơi, về đến chốn là mong muốn hết sức bình thường của người dân, ấy thế mà những mong muốn này nhiều khi không trở thành sự thật khi mà vấn đề an toàn giao thông đường sắt ở Việt Nam còn nhiều bất cập. Hạ tầng thì lạc hậu, xuống cấp, ý thức chấp hành luật giao thông hạn chế.
Đó là chưa kể đến một số hành vi cố tình vượt ẩu qua các đường ngang dân sinh, buôn bán bên đường sắt... Những hạn chế về ý thức chính là tác nhân chính gây ra các vụ TNGT đau lòng, thương tâm. Để không còn chứng kiến những vụ tai nạn đáng tiếc xảy ra, việc cơ quan ban ngành ra sức thanh tra, kiểm tra “các điểm đen giao thông” là rất cần thiết. Đồng thời các cơ quan chức năng cần có biện pháp ngăn chặn và xử lý nặng đối với các hành vi cố tình mở lại lối đi trái phép đã được đóng, nhổ bỏ cọc thu hẹp lối đi, điều khiển xe cố tình vượt qua đường sắt khi cần chắn tự động đã hạ xuống, không giảm tốc độ trước khi qua điểm giao cắt.
Cần thực hiện nghiêm thông điệp của ngành đường sắt “Dừng lại quan sát trước khi qua đường ngang, vì an toàn của bản thân và xã hội”. Mỗi người trong chúng ta chỉ cần dừng lại vài phút để quan sát trước khi sang đường, chấp hành tốt các quy định giao thông đã ban hành, chắc rằng sẽ không còn những vụ tai nạn thảm khốc, gây nhiều ám ảnh trên tuyến đường sắt.