Đảm bảo đi bầu đông đủ, an toàn
Bà Nguyễn Thị Như Ý, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Đồng Nai, cho biết, từ đầu tháng 4-2021, các cấp công đoàn cơ sở đã triển khai nhiều hoạt động vận động người lao động tại doanh nghiệp và các khu nhà trọ tham gia bầu cử; nhiều băng rôn, khẩu hiệu tuyên truyền hoạt động bầu cử, được đưa về treo tận khu nhà trọ và trước cổng các công ty. Đến thời điểm này, các chủ doanh nghiệp hầu hết rất đồng tình, hưởng ứng và tạo điều kiện cho CN tham gia bầu cử đầy đủ, công ty không bắt CN đi làm, không tăng ca vào ngày bầu cử.
Ông Nguyễn Tấn Pháp, Chủ tịch Công đoàn Công ty Pouchen VN (phường Hóa An, TP Biên Hòa), cho biết, công ty có khoảng 67.000 CN, trong đó hơn 60% CN có hộ khẩu tại Đồng Nai, còn lại đến từ nhiều tỉnh thành khác. Lãnh đạo công ty không tăng ca trong thời gian diễn ra bầu cử để CN có điều kiện đi bầu cử. Hiện chỉ có một chút vướng mắc, đó là đội ngũ bảo vệ của công ty gặp khó khăn về thời gian, tuy nhiên công ty đã sắp xếp để những người này xuống ca là đi bầu ngay. Công đoàn công ty cũng thông báo thông tin bầu cử lên hệ thống loa phát thanh của công ty để đẩy mạnh tuyên truyền về bầu cử.
LĐLĐ tỉnh Bình Dương đã tuyên truyền đậm nét về công tác bầu cử bằng các hình thức phát tờ rơi, tờ gấp; kết hợp nội dung phòng chống dịch Covid-19 với cung cấp thông tin về bầu cử cho CN. Các doanh nghiệp trên địa bàn cũng tạo điều kiện thuận lợi như cho CN làm luân phiên, hạn chế tăng ca… LĐLĐ tỉnh cũng phân công cán bộ phụ trách các huyện thị, TP tổ chức mạn đàm trong giờ ăn, giờ nghỉ trưa để hướng dẫn cho CN tìm hiểu về các ứng viên ĐBQH, ĐB HĐND vừa tạo không khí tập trung, vừa giúp CN hiểu thêm về công tác bầu cử.
Ông Võ Văn Minh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Dương, cho biết thêm, tỉnh đang chuẩn bị tốt công tác bầu cử tại các điểm cách ly tập trung, yêu cầu địa phương có khu cách ly thực hiện nghiêm theo hướng dẫn của Bộ Y tế về phòng chống dịch Covid-19; bỏ phiếu qua thùng phiếu lưu động tại điểm cách ly và các dụng cụ sử dụng trong quá trình bầu cử phải được khử khuẩn, đảm bảo thực hiện tốt quyền bầu cử của công dân, kể cả tại nhà riêng, bệnh viện, khách sạn…
Gửi gắm niềm tin
Bình Phước là tỉnh có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống với 195.659 người (chiếm 19,67% dân số toàn tỉnh) và cùng với cả nước đang hướng tới ngày bầu cử, đồng bào dân tộc thiểu số cũng có nhiều kiến nghị gửi tới ĐBQH và ĐB HĐND tỉnh. Ông Điểu Min (dân tộc S’Tiêng, xã Thanh An, huyện Hớn Quản), mong muốn các đại biểu quan tâm phát triển đời sống kinh tế và tinh thần, tập trung đào tạo nghề cho lao động nông thôn và giải quyết việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số, đề xuất những chính sách ưu tiên cho đồng bào dân tộc thiểu số như xóa đói giảm nghèo, vấn đề y tế, giáo dục, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống.
Xã Phú Nghĩa thuộc huyện biên giới Bù Gia Mập có 1.307 hộ dân tộc thiểu số với 5.591 nhân khẩu (chiếm gần 40% dân số của xã), đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn. Chị Thị Thu (dân tộc S’Tiêng) nói: “Điều tôi quan tâm nhất là vấn đề giảm nghèo bền vững và cơ quan chức năng phải nỗ lực hành động vì sự bình đẳng, đoàn kết và phát triển của đồng bào các dân tộc Bình Phước; có giải pháp để trẻ em đến trường đúng độ tuổi và hạn chế tình trạng trẻ em bỏ học do hoàn cảnh khó khăn, trẻ em gái phải bỏ học vì tảo hôn”.
Tại tỉnh Tây Ninh, đến thời điểm này, công tác chuẩn bị bầu cử ở khu vực biên giới đúng theo kế hoạch đề ra. Tỉnh tập trung nhiều biện pháp quyết liệt để ngăn chặn các đối tượng nhập cảnh trái phép, kế hoạch xử lý khi có ca mắc Covid-19 tại KCN, rà soát, điều chỉnh 5 cấp độ dịch bệnh và kế hoạch riêng cho công tác bầu cử với mục tiêu phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện tốt phòng chống dịch theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; phát hiện sớm trường hợp mắc Covid-19, F1, F2, F3... khoanh vùng dập dịch không để lây lan.