Theo đó, các trường học đẩy mạnh giáo dục kiến thức và kỹ năng tham gia giao thông an toàn cho học sinh, sinh viên; tăng cường hướng dẫn học sinh chấp hành các quy tắc giao thông khi điều khiển xe máy điện, xe đạp điện để bảo đảm an toàn giao thông; phối hợp cơ quan chức năng, chính quyền địa phương bảo đảm trật tự, an toàn giao thông khu vực cổng trường học. Kiểm soát chặt chẽ điều kiện phương tiện, người lái và an toàn giao thông đối với hoạt động vận chuyển học sinh bằng xe buýt.
Để ngăn ngừa những vụ việc tương tự trường Gateway có thể xảy ra, đảm bảo an toàn cho học sinh đi học bằng dịch vụ ô tô do nhà trường tổ chức, Bộ GD-ĐT đã ban hành quyết định 3523/BGDĐT 2019 bảo đảm an toàn cho học sinh sử dụng dịch vụ đưa đón bằng ô tô. Quyết định yêu cầu các cơ sở giáo dục mầm non, trung học phổ thông đẩy mạnh công tác bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng và các quy định về an toàn giao thông cho giáo viên, học sinh; trong đó lưu ý các quy định an toàn khi ngồi trên xe, kỹ năng thoát hiểm khi gặp sự cố, kỹ năng xử lý tình huống khi gặp nguy hiểm.
Song song đó, lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ có đủ điều kiện kinh doanh vận tải theo quy định; lái xe phải đáp ứng đầy đủ theo quy định, có phẩm chất đạo đức tốt, giao tiếp ứng xử văn hóa với giáo viên và học sinh. Đồng thời, phối hợp với các ban an toàn giao thông địa phương, đơn vị có liên quan thường xuyên kiểm tra việc thực hiện pháp luật và hợp đồng vận chuyển đối với các cơ sở giáo dục và đơn vị kinh doanh vận tải tổ chức đưa đón học sinh bằng ô tô.
Liên quan đến nội dung này, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cũng đề nghị Bộ GD-ĐT chỉ đạo, yêu cầu tất cả các cơ sở giáo dục (từ bậc mầm non đến trung học phổ thông), sở GD-ĐT các tỉnh, thành phố trong cả nước có tổ chức đưa đón học sinh đến trường bằng ô tô phải ghi rõ trong hợp đồng vận chuyển giữa cơ sở giáo dục và đơn vị kinh doanh vận tải những yêu cầu, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan về an toàn giao thông, bảo vệ sức khoẻ cho học sinh khi ngồi trên xe và khi lên, xuống xe; trên xe phải có người chịu trách nhiệm quản lý, kiểm tra danh sách học sinh, duy trì trật tự, vệ sinh và hướng dẫn, nhắc nhở học sinh thực hiện các quy định và kỹ năng an toàn khi ngồi trên xe và khi lên, xuống ô tô.
Có thể thấy rằng, trong thực tế hiện nay việc đưa đón học sinh bằng ô tô, xe buýt... đang bị thả nổi, dẫn đến những hậu quả đáng tiếc xảy ra. Phụ huynh vì bận công việc nên cũng “nhắm mắt” giao con cho nhà trường, trong khi nhà trường thì khó quản lý hết số lượng học sinh đông như vậy. Để không còn những vụ việc đáng tiếc xảy ra, các cơ quan chức năng cần chung tay phối hợp hiệu quả hơn nữa.
Cụ thể, các cơ sở giáo dục và đơn vị kinh doanh vận tải phải thực hiện đầy đủ quy định về an toàn giao thông đối với phương tiện, người lái xe; phối hợp với Sở GTVT địa phương kiểm tra việc thực hiện các quy định pháp luật về an toàn giao thông đối với các đơn vị vận tải có hợp đồng đưa đón học sinh; chấm dứt hợp đồng và xử lý nghiêm các lái xe, chủ xe không tuân thủ các quy định pháp luật về an toàn giao thông và trách nhiệm đã được xác định trong hợp đồng đưa đón học sinh bằng ô tô.