Sau hàng loạt vụ tai nạn hàng không xảy ra trên thế giới trong thời gian gần đây, nhiều người bắt đầu cảm thấy lo ngại khi sử dụng phương tiện di chuyển là máy bay. Vậy ngành Hàng không Việt Nam (HKVN) đang nỗ lực bảo đảm an toàn bay như thế nào, PV Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Quý Tiêu (ảnh), Thứ trưởng Bộ GTVT xung quanh vấn đề này.
* Phóng viên: Trong bối cảnh hàng không thế giới đang gặp khá nhiều rủi ro, ông có thể cho biết quan điểm của Bộ GTVT trong vấn đề đảm bảo an toàn bay của ngành HKVN?
* Ông PHẠM QUÝ TIÊU: Trước hết, phải khẳng định rằng, Bộ GTVT luôn yêu cầu công tác an toàn bay phải được bảo đảm tuyệt đối. Lãnh đạo Bộ GTVT thường xuyên chỉ đạo sát sao hoạt động của Cục HKVN, trong đó, đặc biệt quan tâm đến công tác bảo đảm an toàn bay. Tôi đánh giá cao những nỗ lực đảm bảo an toàn bay của Cục HKVN, nguyên tắc an toàn là trên hết được thể hiện trong hệ thống các văn bản, tài liệu, quy chuẩn khai thác bay và công tác chỉ đạo, điều hành của cơ quan này. Trước mỗi sự cố uy hiếp an toàn bay, mỗi diễn biến bất lợi liên quan đến an toàn bay của hàng không thế giới, Cục HKVN đều có ngay những phản ứng kịp thời nhằm tăng cường hơn nữa công tác bảo đảm an toàn bay. Cụ thể, khi một sự cố hàng không xảy ra, Cục HKVN đều nhanh chóng thành lập tổ điều tra nhằm xác định nguyên nhân sự cố, đánh giá phân loại sự cố, xác định lỗi vi phạm và đưa ra các biện pháp xử lý, ngăn ngừa. Bên cạnh đó, Cục HKVN cũng rà soát lại các quy trình công tác, bổ sung thêm các quy định nhằm siết chặt hơn nữa bảo đảm an toàn bay.
* Báo cáo về tình hình sự cố, tai nạn của Cục HKVN cho thấy, trong 6 tháng đầu năm nay, đã xảy ra 144 sự cố an toàn, tăng 32 vụ so với cùng kỳ năm trước, tương đương với 28,5%, theo ông con số này có đáng lo ngại?
* Nếu chỉ nhìn số liệu như vậy thì chưa đủ để đánh giá về mức độ mất an toàn hàng không. Thực tế là, trong tổng số sự cố, số lượng sự cố có nguy cơ uy hiếp an toàn mức E và D (mức thấp) tăng hơn 33,3% nhưng số lượng sự cố mức C và B (có nguy cơ uy hiếp an toàn cao, nghiêm trọng) lại giảm 2 vụ, tương đương 20%. Trong các nhóm nguyên nhân được nêu ra thì nhóm có yếu tố con người, nhân viên hàng không giảm mạnh. Số lượng sự cố liên quan đến thành viên tổ bay và nhân viên phục vụ mặt đất đã giảm sâu, còn 5 vụ so với 18 vụ trong cùng kỳ năm 2013. Điều này thể hiện sự tiến bộ về việc tuân thủ quy trình khai thác và quy trình bảo dưỡng máy bay so với cùng kỳ năm 2013. Tuy nhiên, điều đáng lưu tâm ở đây là lỗi của tổ bay, nhân viên kỹ thuật, kiểm soát viên không lưu, nhân viên điều độ, nhân viên thủ tục bay lại gây ra 3/4 sự cố nghiêm trọng, ví dụ như vụ việc vận chuyển nhầm hành khách đi Cam Ranh ngày 19-6, vụ cấp nhầm huấn lệnh bay tại Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng ngày 27-6. Và mới đây là vụ tổ lái máy bay mất liên lạc với kiểm soát viên không lưu tại sân bay Vinh... Những sự cố này đã được mổ xẻ kỹ nguyên nhân và Cục HKVN cũng đã xử lý nghiêm trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan đến sự cố, bao gồm cả việc rút giấy phép hành nghề, yêu cầu đào tạo lại cho đến xử phạt hành chính với mức cao nhất lên đến hàng chục triệu đồng.
* Năm nay, diễn biến thời tiết rất phức tạp, làm tăng cao sự cố với 117 chuyến bay bị ảnh hưởng do thời tiết xấu. Trong khi đó, công tác dự báo thời tiết của chúng ta lại được đánh giá là chưa tốt, điều này cần được quan tâm như thế nào, thưa ông?
* Thời tiết ảnh hưởng rất lớn đến vấn đề an toàn bay, sau một số vụ tai nạn xảy ra trên thế giới có liên quan đến nguyên nhân do thời tiết, Cục HKVN đã ban hành Chỉ thị về đảm bảo an toàn bay, trong đó nghiêm cấm thực hiện phương thức tiếp cận hạ cánh, cất cánh trong điều kiện thời tiết dưới tiêu chuẩn cho phép đối với sân bay, máy bay và người lái đã được phê chuẩn, đồng thời yêu cầu các hãng hàng không khi xây dựng phương án bay phải có ít nhất 1 sân bay dự phòng, nếu điều kiện thời tiết không tốt phải có 2 sân bay dự phòng và quán triệt nguyên tắc an toàn là ưu tiên cao nhất. Hiện công tác dự báo thời tiết tại các sân bay chưa được tốt, vấn đề này đang được nỗ lực khắc phục, bên cạnh việc bổ sung trang thiết bị, cải thiện năng lực cán bộ dự báo nhằm nâng cao chất lượng bản tin dự báo thời tiết, thì vấn đề phối hợp, hiệp đồng về công tác dự báo thời tiết giữa các sân bay sắp tới cũng sẽ được nâng cao hơn. Bên cạnh đó, sẽ xây dựng hướng dẫn hành động ứng phó của kiểm soát viên trong trường hợp thời tiết xuống dưới tiêu chuẩn tại sân bay để bổ sung vào tài liệu hướng dẫn khai thác của Đài kiểm soát không lưu. Sắp tới, danh mục sân bay dự phòng cũng sẽ được xây dựng nhằm tạo điều thuận lợi hơn cho các hãng hàng không.
* Thị trường HKVN được đánh giá là có mức tăng trưởng khá tốt, đây có phải là áp lực đối với công tác bảo đảm an toàn bay?
* Như tôi đã nói, dù trong bối cảnh nào thì việc bảo đảm an toàn bay vẫn là ưu tiên số 1. Bộ GTVT sẽ tiếp tục yêu cầu Cục HKVN thực hiện ở mức cao nhất các khuyến cáo về an toàn của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế ICAO. Bên cạnh đó, tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu quả của Chương trình An toàn hàng không Quốc gia, Hệ thống quản lý an toàn, Chương trình an toàn đường cất hạ cánh… như mục tiêu đã đề ra. Bên cạnh đó, sẽ tiếp tục hoàn thiện hơn nữa các tài liệu, quy trình đảm bảo an toàn hàng không cho phù hợp nhu cầu thực tế.
* Cảm ơn ông!
|
BÍCH QUYÊN (thực hiện)