Làm điều trái tim mách bảo
Hơn 30 năm trước, TS Võ Tá Hân lần đầu trở lại Việt Nam sau 20 năm du học và sinh sống, làm việc từ Mỹ, Canada, đến Singapore. TPHCM năm đó vắng hoe, các hoạt động văn hóa giải trí thưa thớt. Nhà sách ở ngay trung tâm TPHCM tẻ nhạt với một ít sách cũ kỹ, bày biện thô sơ, đơn điệu. Ghé một số viện nghiên cứu, trường đại học hàng đầu ở TPHCM, TS Võ Tá Hân đề nghị được xem thư viện và bàng hoàng: Thư viện chỉ loe ngoe một ít sách cũ.
Trái tim ông đau nhói. Bước ra phi trường, khi máy bay cất cánh trở lại Singapore, ông Hân nghiêng mặt “trốn” mấy người bạn nước ngoài đi cùng chuyến công tác để vội giấu những hàng lệ lăn dài trên má. “Từ Singapore về Việt Nam chỉ cách hơn 1 giờ đường bay mà sự cách biệt lớn như vậy, điều đó làm tôi đau lòng lắm”, TS Võ Tá Hân hồi tưởng.
Cả tuần sau đó, nỗi day dứt vẫn ám ảnh không nguôi. Lúc nào trong đầu ông cũng văng vẳng sự mách bảo “phải làm cái gì đó giúp quê nhà”.
Nghĩ là làm, TS Võ Tá Hân bắt đầu dịch một số sách về kinh tế, tài chính để gửi về nước. Dịch được 1-2 cuốn, ông giật mình: “Mất bao nhiêu thời gian mới dịch xong một cuốn, vậy thì có thể làm được gì?”. Từ đó, ông tìm cách đi xin, đi mua sách khắp thế giới và khởi động chương trình “Books4Vietnam” gửi sách về Việt Nam. Ông có niềm tin mãnh liệt, rằng nếu được trang bị kiến thức mới, có cơ hội học hỏi, ứng dụng tri thức mới, Việt Nam sẽ tiến rất nhanh và đó là động lực ông kiên trì đưa sách về quê nhà.
30 năm tặng quê nhà sách quý
Ban đầu, ông viết một lá thư và nhân lên 100 bản gửi khắp nơi, từ bạn bè, trường đại học, đến các nhà xuất bản để quyên góp sách cho các thư viện. Lô sách đầu tiên, ông nhận được 1.500 cuốn, gửi tặng Viện Kinh tế Hà Nội và TPHCM. Nhiều nhất trong số này là sách do nhà xuất bản Simon & Schuster - Prentice Hall tặng. Nhưng, 1.500 cuốn trong “cơn khát sách” chỉ như muối bỏ bể.
Qua tìm hiểu, TS Võ Tá Hân biết nhà xuất bản này có một kho sách khổng lồ ở Singapore để phân phối khắp châu Á. Tại kho sách này, ông khám phá ra một “núi sách” còn mới nguyên nhưng tồn kho do nhập dư hoặc không bán hết. Những cuốn sách có giá 100-150 USD/cuốn, thậm chí 250 USD/cuốn, sắp được mang ra bán… giấy vụn để tránh phá giá thị trường. TS Võ Tá Hân dành gần 1 năm tiếp cận, kiên nhẫn thuyết phục nhà xuất bản bán lại hàng tấn sách về chuyên ngành kỹ thuật, công nghệ thông tin, y khoa, luật, quản trị kinh doanh, giáo dục... Cuối cùng, nhà xuất bản đồng ý bán sách theo tấn với giá “giấy vụn” kèm điều kiện, sách phải cho vào container khóa lại, không được lọt ra thị trường bất kỳ cuốn nào.
TS Võ Tá Hân mua hết “núi sách” quý, mừng hơn bắt được vàng! Vậy mà container 17 tấn với khoảng 20.000 cuốn sách chuyển về trong chuyến đầu tiên lại gặp “chướng ngại vật” ngay lúc khởi đầu. Để gửi sách về Việt Nam, ông Hân buộc phải nộp danh mục toàn bộ sách để kiểm duyệt vì sách vở nằm trong danh sách những mặt hàng bị Singapore áp đặt cấm vận vào thời điểm đó. Ông đành phải khai là “giấy vụn” để container sách được chuyển đi suôn sẻ.
Sau bao vất vả, những cuốn sách đầu tiên được chuyển đến Viện Kinh tế TPHCM. Lễ tặng sách, triển lãm sách diễn ra trang trọng vào năm 1990. Đồng chí Phan Văn Khải, lúc đó là Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, ghé thăm triển lãm đã viết một bức thư cảm ơn và khen tặng: “Những cuốn sách mà tôi được thấy tận mắt trong buổi trưng bày đều vô cùng quý giá đối với các nhà nghiên cứu và các nhà quản lý ở TPHCM và cả nước”. Chính bức thư ấy đã giúp chương trình tặng sách được thuận buồm xuôi gió về sau.
Và như một ông già Noel tặng quà Giáng sinh, TS Võ Tá Hân trong 30 năm qua đã cùng cộng sự mang nhiều container sách tặng khắp các trường đại học, cao đẳng, viện nghiên cứu của đất nước. Hành trình tặng sách với đủ cung bậc cảm xúc đã mang đến cho ông những món quà tinh thần đặc biệt. Thi thoảng, những lá thư từ người không quen biết gửi đến, nhắc nhớ chuyện tặng sách ngày xưa. Họ chia sẻ “nhờ tiếp cận, đọc sách ở thư viện mà đã có thể sáng chế được đĩa vệ tinh”. Nhiều người trở thành GS, TS giảng dạy tại các trường đại học…