Tập thơ nhạc chọn lọc Trăm khúc hát một chữ duyên do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành, có thể xem như một cuộc điểm danh nho nhỏ cho những tác phẩm của nhà thơ Nguyên Hùng đã được phổ nhạc. Điều thú vị là có vài bài thơ lại được nhiều nhạc sĩ phổ nhạc. Có thể kể vài ví dụ, như: bài thơ Cánh buồm tình ái được nhạc sĩ Trung Kim phổ thành ca khúc Cánh buồm thao thức, còn nhạc sĩ Lê An Tuyên phổ thành ca khúc Em và biển. Bài thơ Ngàn năm em và anh được nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Tiến phổ thành ca khúc Tình yêu em và anh, còn nhạc sĩ Võ Xuân Hùng phổ thành ca khúc Khúc hát ngàn năm. Bài thơ Gửi dòng sông câu ví được nhạc sĩ Hữu Xuân phổ thành ca khúc Gửi dòng sông, còn nhạc sĩ Võ Xuân Hùng phổ thành ca khúc lấy đúng tên gốc Gửi dòng sông câu ví.
Đặc biệt hơn, phải nhắc đến ca khúc Trầm tích trong em được nhạc sĩ Đỗ Tiến Lập phổ từ 2 bài thơ Một thoáng Quy Nhơn và Biển quê em của nhà thơ Nguyên Hùng. Trộn hai bài thơ thành một ca khúc không phải việc đơn giản. Bởi lẽ, ít nhất nhạc sĩ phải yêu và phải hiểu nhà thơ. Khi có thơ được phổ nhạc thì đồng nghĩa nhạc sĩ có thêm độc giả hơi độc đáo là nhạc sĩ.
Những bài thơ trong Trăm khúc hát một chữ duyên cho thấy thơ Nguyên Hùng giàu nhạc tính. Nhiều câu thơ của ông đã tự ngân nga ngay trong văn bản Ơi dòng sông ngọt lịm điệu đò đưa/ Ơi dòng sông mặn mòi câu ví dặm. Song, ở chính những bài thơ được phổ nhạc, vẫn thể hiện nhà thơ Nguyên Hùng không chỉ làm thơ bằng nhạc cảm. Ngôn từ của ông, khi đắm đuối Anh lớn lên trên sóng/ Nên say hoài biển xanh, khi bâng khuâng Ngồi đây ai cũng có đôi/ Thương về phương ấy một trời một em, khi buồn bã Những niềm vui chẳng còn mong níu kéo/ Tìm đậu bến nào ngày tháng không nhau.
Nhà thơ Nguyên Hùng không dụng công cấu trúc ý tứ hay đẽo gọt chữ nghĩa. Thơ ông nhẹ nhàng và êm ái. Tuy nhiên, bên cạnh sự xao xuyến Biển triệu năm cứ xanh/ Tóc nửa đời đã bạc/ Nghìn năm em và anh/ Yêu mãi hoài vẫn khát thì thơ Nguyên Hùng cũng có sự phẫn nộ Những kẻ nào đang lấn từng bãi đá/ Biển hãy dồn sóng dữ cuốn chúng đi.
Nguồn cơn sáng tạo bền bỉ nhất của nhà thơ Nguyên Hùng vẫn là niềm vương vấn xứ Nghệ chôn nhau cắt rốn. Cứ chạm đến vùng trời Nghi Lộc là ông bồi hồi: Anh đi tìm em lần theo hương biển/ Theo vị mặn mòi trong những câu ca để day dứt Cửa Lò chiều chúng mình trôi đâu? và để ngổn ngang Nơi quê hương vẫn nặng nỗi thương nhà.