Trong hoài niệm, những câu chuyện, kỷ niệm về ông Mười Hương, chú Mười Hương, ân nhân Mười Hương… được kể ra, trải lòng giữa những người đến viếng với những ân tình khó phai.
“Có khó khăn gì thì gọi bác”
Một mình tới thắp nhang, ông Lê Huy Diệu, 77 tuổi kể câu chuyện gặp ông Mười Hương cách đây gần 45 năm. Đó là một ngày khoảng năm 1976-1977, khi đang đạp xe trên đường Tú Xương (quận 3) thì ông nghe có người đi ngược chiều gọi: “Diệu! Diệu!”. Ông ngạc nhiên khi thấy có người lớn tuổi, biết mình mà mình không biết họ. Người ấy bảo: “Tao không những biết mày, mà còn biết cha mẹ mày, anh em mày nữa!”. Người ấy chính là ông Mười Hương.
Ông Diệu kể: “Gia đình tôi là cơ sở cách mạng của Trung ương Cục tại Phnôm Pênh, có lẽ chú Mười Hương đã từng lui tới nhiều lần để kiểm tra nhà cửa xem có thể đón khách của Trung ương Cục hay không nên biết rất rõ về gia đình tôi”.
Với ông Diệu, ấn tượng về ông Mười Hương là phong thái vui vẻ, hào sảng, dù ông chỉ là cấp dưới, là hậu bối mà vẫn được đối xử thân tình. Những năm sau này khi sức khỏe đã yếu, đi lại khó khăn nhưng ông Mười vẫn cố gắng tới vào những dịp cưới hỏi, giỗ chạp của gia đình các đồng chí đồng đội, cấp dưới.
Kể về sự quan tâm ân cần của ông Mười Hương, bà Lê Thị Thanh Hương - con của nhà tình báo Lê Hữu Thúy (nguyên mẫu của nhân vật trong tác phẩm Điệp viên giữa sa mạc lửa) kể rằng, những năm tháng gia đình phải chịu khổ vì các nghi ngờ, ông Mười Hương và các lãnh đạo, cấp trên đã tích cực tìm kiếm tài liệu, hồ sơ để chứng minh sự trong sạch của cha bà. Đám cưới của anh chị em bà, ông Mười Hương đều tới dự. Những ngày tết đều gửi quà, còn dặn dò các cháu sống tốt, có khó khăn gì thì gọi bác…
Bà Phan Lương Cầm, phu nhân cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt (Sáu Dân) chia sẻ: “Anh Mười và anh Sáu Dân cùng ra đi một ngày là 11-6 dương lịch nhưng anh Sáu ra đi trước một giáp. Anh Mười là người giúp đỡ rất nhiều cho anh Sáu trong việc công cũng như việc riêng. Mong các anh sớm gặp nhau ở cõi vĩnh hằng, cùng phù hộ cho đất nước, nhân dân”.
“Ngày nào chú cũng tập yoga”
Ở tuổi 96, sức khỏe không còn như xưa, Đại tá Nguyễn Nho Quý (Xuân Mạnh, Mười Nho), nguyên Trưởng phòng điệp báo - P73, Cục tình báo Bộ Tổng tham mưu - Tổng cục II Bộ Quốc phòng, phải vịn vào tay mấy chú bộ đội trẻ để bước đi. Nhưng nhắc về ông Mười Hương, mắt ông lấp lánh. Ông may mắn là người được ông Mười Hương trực tiếp hướng dẫn, đào tạo về công tác tình báo vào năm 1950, tại căn cứ của trạm tình báo ở Huế. Được ông Mười Hương chỉ dạy, ông Mười Nho từ một cán bộ làm công tác đảng, tỉnh ủy viên liên tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng đã trở thành một nhà chỉ huy tình báo xuất sắc, mà như ông khiêm tốn nói rằng “đã có được chút thành công”. Đại tá Mười Nho gọi thầy mình là “bậc thầy của tình báo Việt Nam”.
Là thư ký của ông Mười Hương từ tháng 12-1974 đến tháng 5-1975, ông Lê Ngọc Tú có dịp gần gũi và học tập từ ông Mười Hương nhiều điều tốt. Ông Tú kể, sáng nào ông Mười Hương cũng tập yoga, không rượu bia gì cả. Suốt 6 năm bị giam cầm trong nhà lao hà khắc của chế độ Ngô Đình Diệm, ngày nào ông Mười Hương cũng tập thiền để cân bằng bản thân, đủ sức đương đầu với những đòn cân não của kẻ thù.
Với ông Trần Văn Tạo, nguyên Phó Giám đốc Công an TPHCM, chú Mười Hương là người thầy của mình, người mà ông học được nhiều điều từ chính cuộc đời đầy đạo đức, từ công việc, lẫn đời thường. “Những ngày cuối đời, dù tuổi cao sức yếu nhưng trí tuệ của chú Mười Hương vẫn sáng suốt, mẫn tiệp, để lại cho đời những bài học đáng quý”, ông Trần Văn Tạo bày tỏ niềm kính trọng.