Ăn tết vui khỏe, an toàn

Kỳ nghỉ Tết Nguyên đán năm nay kéo dài khoảng 1 tuần, đây cũng là giai đoạn nhiều người có những thay đổi về nhịp sinh hoạt hàng ngày. Những ngày đầu năm mới, ngoài các hoạt động du xuân, đi lại, giao lưu nhiều hơn thì việc ăn uống, nhậu nhẹt cũng gia tăng, gây ra nhiều mối nguy cơ tới sức khỏe.

Ăn chín, uống chín

Vào dịp đầu năm mới, cùng với việc tiêu thụ thịt heo và các sản phẩm thực phẩm được chế biến từ thịt heo gia tăng thì không ít người có thói quen ăn tiết canh heo để lấy may, “đỏ” quanh năm. Tuy nhiên, việc sử dụng tiết canh heo và các loại thịt gia súc, gia cầm không được nấu chín rất dễ dẫn tới nguy cơ ngộ độc và các bệnh lây truyền qua thực phẩm, trong đó đáng lo ngại nhất là nhiễm liên cầu khuẩn lợn. Khảo sát của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế ) cho thấy, khoảng 70% người bệnh mắc liên cầu khuẩn lợn có ăn tiết canh heo. Các ca mắc còn lại là do ăn nem chạo sống, do tiếp xúc, giết mổ heo bệnh.

Theo bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, người bị nhiễm liên cầu khuẩn lợn thường gia tăng vào dịp tết. Bệnh liên cầu khuẩn lợn không chỉ xảy ra với những trường hợp ăn tiết canh sống, nem sống, thịt tái mà cả những người giết mổ heo cũng có nguy cơ nhiễm bệnh do tiếp xúc trực tiếp với thịt có mầm bệnh. Nhiễm liên cầu khuẩn lợn là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính lây truyền từ động vật sang người, chủ yếu lây từ heo. Tỷ lệ tử vong do liên cầu khuẩn lợn gây ra khoảng 7%. “Nếu người bệnh bị nhiễm loại vi khuẩn này mà không được chữa trị kịp thời thì sẽ bị viêm màng não, nhiễm trùng huyết gây choáng và có thể để lại những di chứng nặng nề”, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp cảnh báo; đồng thời cho biết, vi khuẩn gây bệnh liên cầu khuẩn lợn có thể sống ở nhiệt độ 60o C trong 10 phút, 50o C trong 2 giờ và 10o C trong 6 tuần.

Tết Nguyên đán cũng là kỳ nghỉ dài nhất trong năm. Lâu nay, nhiều người có tâm lý “ăn tết” nên thường mua sắm, tích trữ thực phẩm, đồ ăn, thức uống rất nhiều trong thời gian dài, khiến chất lượng thực phẩm bị suy giảm, thậm chí hư hỏng. Trong khi đó, vào dịp Tết Nguyên đán, ở miền Bắc thường hay có mưa phùn, thời tiết ẩm ướt, tạo điều kiện thuận lợi cho các vi khuẩn, nấm mốc phát triển nên những loại thực phẩm được tích trữ và bảo quản không tốt rất dễ bị lên nấm mốc, gây ngộ độc thực phẩm cho người sử dụng. Còn ở miền Nam, thời tiết lại nóng bức khiến các loại thực phẩm có nhiều đạm (như thịt, cá, giò chả) dễ bị ôi thiu hay nhiễm các vi khuẩn gây hại cho sức khỏe người sử dụng. Cùng với đó, trong những ngày đầu năm mới, do ăn nhậu triền miên, đi lại nhiều hơn, ngủ ít hơn khiến nếp sinh hoạt hàng ngày của không ít gia đình bị đảo lộn khiến nhiều người mệt mỏi, thậm chí là đau bệnh.

Coi chừng “ma men”

Trong ngày Tết Nguyên đán, việc gặp gỡ bạn bè, người thân, ngồi uống với nhau vài chén rượu, ly bia để chúc mừng năm mới là văn hóa lâu nay của nhiều gia đình, nhưng đáng lo khi việc này đang bị lạm dụng, không chỉ gây nguy hại cho sức khỏe mà còn gây nguy hiểm cho cộng đồng.

f4a-2947-7792.jpg
Nhân viên y tế Bệnh viện Chợ Rẫy chăm sóc cho bệnh nhân bị ngộ độc rượu

TS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết, dịp Tết Nguyên đán, số người bệnh ngộ độc rượu thường tăng cao, trong đó không ít trường hợp tính mạng nguy kịch do ngộ độc rượu có chứa methanol. Ngoài ra, lạm dụng rượu, bia cũng khiến sức khỏe bị ảnh hưởng nghiêm trọng, đặc biệt là hệ tim mạch, dạ dày, gan, tụy, tâm thần. Trong đó, gan bị ảnh hưởng rất nhiều nếu uống quá nhiều rượu, bia. Một lá gan khỏe mạnh nhất cũng chỉ có thể xử lý được khoảng 1-2 đơn vị rượu mỗi ngày (1 đơn vị = 1 chén rượu vang 125ml hoặc 270ml bia, hay tương đương 1 chén rượu mạnh thể tích 30ml có độ cồn 40%). Khi lượng rượu, bia hấp thụ nhiều hơn bình thường sẽ khiến gan không kịp sản xuất đủ men để chuyển hóa cồn. Lúc này, các độc chất được tạo ra từ rượu, bia sẽ bị ứ lại trong cơ thể, trực tiếp phá hủy tế bào gan, lâu ngày dẫn đến xơ gan, suy chức năng gan.

Để phòng ngừa ngộ độc rượu, bia và các hệ lụy do rượu, bia gây ra, TS Nguyễn Trung Nguyên khuyến cáo, người dân cần thực hiện tốt các quy định của Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia. Đặc biệt, khi đã sử dụng rượu, bia thì tuyệt đối không được điều khiển phương tiện giao thông vì dễ gây tai nạn giao thông; không nên tham gia vào các hoạt động ngoài trời hoặc ở những nơi nguy hiểm, không an toàn vì dễ bị ngã, va chạm, chấn thương. Hãy hạn chế uống rượu, bia vì không có ngưỡng nào là an toàn. Nếu đã trót uống loại rượu không bảo đảm, cần đến ngay các cơ sở y tế gần nhất hoặc bệnh viện có điều kiện xét nghiệm để kiểm tra.

Theo Bệnh viện Nhi Trung ương, dịp nghỉ Tết Nguyên đán, trẻ em có thể gặp nhiều nguy cơ tai nạn thương tích, như: bỏng, pháo nổ, hóc dị vật, ngộ độc thực phẩm/hóa chất, té ngã, điện giật, tai nạn giao thông, đuối nước… Để phòng ngừa tai nạn thương tích với trẻ em thì vai trò của các bậc phụ huynh và người chăm sóc trẻ rất quan trọng. Không nên cho trẻ chơi gần các ổ cắm điện; các ổ cắm điện phải dùng dụng cụ che chắn kỹ lưỡng; sử dụng thực phẩm rõ nguồn gốc xuất xứ, đảm bảo chế biến an toàn vệ sinh thực phẩm. Bên cạnh đó, để các loại thuốc, hóa chất xa tầm tay của trẻ và giám sát chặt chẽ khi con ăn các loại hạt như dưa, bí, đậu phộng, hướng dương...

Tin cùng chuyên mục