"Ăn tết" dịp 2-9 _ “thương hiệu” vùng Tây Bắc

Từ hơn nửa thế kỷ nay, đồng bào dân tộc và nhân dân ở khu vực Tây Bắc đã duy trì một truyền thống rất đặc biệt, đó là “ăn tết” vào ngày 2-9 nhân dịp Quốc khánh. Truyền thống này đã và đang dần trở thành một “phong tục” ý nghĩa, một ngày hội lớn ở nhiều địa phương.

Yên Bái: Nhiều nơi "ăn tết to" mừng Quốc khánh

Hàng năm, cứ vào dịp 2-9, hòa chung không khí đón mừng Quốc khánh trên cả nước, tại nhiều làng quê ở các huyện vùng cao của tỉnh Yên Bái như: Văn Yên, Văn Chấn, Mù Cang Chải… người dân lại thường tổ chức ăn tết rất to. Tại xã Thượng Bằng La (huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái) từ nhiều năm nay, người dân đã có truyền thống làm cỗ mừng Tết Độc lập 2-9 để con cháu trong gia đình, họ hàng hoặc người thân ở phương xa về sum họp. Theo người dân ở xã này, 2-9 là ngày tết lớn nhất trong năm của họ.

IMG_2179.jpeg
Loại bánh được người dân ở huyện Văn Chấn (tỉnh Yên Bái) làm để mừng Tết Độc lập

Còn tại huyện Văn Yên - một vùng trồng quế nổi tiếng của tỉnh Yên Bái, hàng năm, cứ đến dịp lễ Quốc khánh 2-9, hàng ngàn người dân từ khắp các làng, xã bên hữu ngạn sông Hồng lại tạm gác nhịp sản xuất thường ngày để nô nức kéo về trung tâm thị trấn vui chơi, trẩy hội, mua sắm… Từ khoảng chiều và tối 1-9, các khu phố ở thị trấn đã bắt đầu chật như nêm.

Tuy nhiên, không khí đón Tết Độc lập với quy mô lớn nhất và sôi động nhất ở tỉnh Yên Bái có lẽ là tại huyện vùng cao Mù Cang Chải.

IMG_2190.jpeg
Người Mông ở huyện Mù Cang Chải (tỉnh Yên Bái) đi chơi tết vào dịp Quốc khánh 2-9. Ảnh tư liệu

Từ hơn 1 tuần nay, không khí chuẩn bị cho Tết Độc lập 2-9 đã được chính quyền địa phương triển khai. Dọc theo Quốc lộ 32 từ đèo Khau Phạ, cầu Ba Nhà, thị tứ Ngã Ba Kim đến trung tâm thị trấn huyện, từ nhiều ngày nay, cờ hoa, áp phích, khẩu hiệu đã được treo để chào đón Quốc khánh 2-9 và quảng bá các hoạt động trong một lễ hội lần đầu tiên được tổ chức ở huyện này.

IMG_2180.jpeg
Người Mông ở bản Suối Dầm (xã An Lương, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái) treo cờ Tổ quốc mừng Tết Độc lập 2-9-2024. Ảnh: V.C

Theo ông Lê Xuân Dương, Giám đốc Trung tâm Truyền thông và văn hóa huyện Mù Cang Chải, sau các hoạt động vào dịp Quốc khánh 2-9, tại đây sẽ tổ chức 2 sự kiện gồm: "Lễ hội Mùa vàng năm 2024" và "Lễ hội Sơn tra" - lần đầu tiên được tổ chức, khai mạc vào tối 6-9. Điểm nhấn của sự kiện là chương trình nghệ thuật với chủ đề “Huyền thoại sơn tra”, cùng với màn biểu diễn đường phố của 6 đoàn, biểu diễn các điệu dân vũ của dân tộc Mông, Thái; xe chở mô hình quả sơn tra (táo mèo) và các sản phẩm chế biến từ loại cây này.

IMG_2184.jpeg
Chương trình văn nghệ tối 31-8 khởi đầu chuỗi sự kiện mừng Tết Độc lập tại huyện Mù Cang Chải (Yên Bái). Ảnh: BÁO YÊN BÁI
IMG_2185.jpeg
Người dân ở huyện Mù Cang Chải (tỉnh Yên Bái) mừng Quốc khánh 2-9

Cũng trong dịp này, huyện Mù Cang Chải sẽ công bố quyết định của Cục Bản quyền tác giả (Bộ VH-TT-DL) công nhận các lễ hội của huyện như: “Lễ hội Mùa vàng”, Festival dù lượn “Bay trên miền danh thắng”, “Lễ hội giã bánh dày” và quyết định công nhận những cây di sản Việt Nam.

Lai Châu: Truyền thống được nâng tầm thành thương hiệu

Trong khi tại tỉnh Lai Châu, không khí đón mừng Tết Độc lập cũng đang diễn ra sôi động không kém. Tâm điểm là huyện Than Uyên.

IMG_2189.jpeg
Tập dượt lễ hội mừng Tết Độc lập 2024 tại huyện Than Uyên (tỉnh Lai Châu) với dự kiến 3.000 người tham gia biểu diễn múa xòe. Ảnh: BÁO LAI CHÂU

Từ cuối những năm 50 của thế kỷ 20, cứ đến ngày lễ Quốc khánh 2-9, đồng bào các dân tộc ở huyện Than Uyên (tỉnh Lai Châu) lại nô nức tập trung về thị trấn huyện để chào đón Tết Độc lập. Dù điều kiện giao thông còn khó khăn, đường sá xa xôi nhưng từ hàng chục năm qua, cứ đến dịp lễ Quốc khánh, người dân từ khắp các bản trong huyện vẫn háo hức xuống núi từ chiều hôm trước để kịp đón không khí tết từ sáng 2-9.

Qua nhiều năm, Tết Độc lập ở huyện Than Uyên không chỉ thu hút người dân trong huyện mà còn từ nhiều tỉnh lân cận như Lào Cai, Yên Bái, Sơn La cùng khách du lịch từ khắp nơi, trong và ngoài nước.

Theo thông tin từ huyện Than Uyên, bắt nguồn từ truyền thống ăn Tết Độc lập được duy trì nhiều chục năm của đồng bào dân tộc Mông tại địa phương, vào năm 2012, huyện này đã được tỉnh Lai Châu chọn và chỉ đạo tổ chức mô hình điểm về ngày hội mừng Tết Độc lập. Năm đó, chủ đề của Tết Độc lập là “Người Mông ơn Đảng”. Từ đó, Tết Độc lập trở thành một thương hiệu văn hóa không chỉ của huyện, của tỉnh Lai Châu mà cho cả vùng Tây Bắc.

IMG_2188.jpeg
Đồng bào dân tộc Mông ở huyện Than Uyên (tỉnh Lai Châu) trình diễn múa khèn trong chương trình Tết Độc lập năm 2023. Ảnh tư liệu

Từ năm 2023, Tỉnh ủy Lai Châu đã quyết định nâng tầm tổ chức Tết Độc lập 2-9 ở huyện Than Uyên lên quy mô cấp tỉnh, hướng tới xây dựng, phát triển Tết Độc lập thành một sản phẩm du lịch văn hóa hấp dẫn, độc đáo riêng có và là thương hiệu của tỉnh Lai Châu.

Năm nay là năm thứ 2, Tết Độc lập 2024 ở huyện Than Uyên được tỉnh Lai Châu tổ chức với quy mô lớn cấp tỉnh, diễn ra từ ngày 1-9 đến 3-9.

IMG_2186.jpeg
Giải chạy mừng Tết Độc lập diễn ra ngày 31-8 tại huyện Than Uyên (tỉnh Lai Châu)

Theo tìm hiểu của PV Báo SGGP, năm nay, Tết Độc lập ở tỉnh Lai Châu được tổ chức gắn với Tuần Du lịch – văn hóa Lai Châu năm 2024, diễn ra trong 4 ngày (từ 31-8 đến 3-9). Lễ khai mạc với chủ đề “Về với những đỉnh núi Lai Châu kỳ vĩ” đã diễn ra tối 31-8 tại sân vận động huyện Than Uyên.

Phong tục truyền thống đón Tết Độc lập 2-9 không chỉ phổ biến tại các tỉnh Yên Bái và Lai Châu mà còn lan rộng ra nhiều địa phương khác ở Tây Bắc và miền núi phía Bắc. Tại các tỉnh Sơn La, Điện Biên, Hòa Bình và Lào Cai, người dân cũng tổ chức các hoạt động đón mừng Tết Độc lập với những nét văn hóa độc đáo của từng vùng. Bên cạnh đó, các địa phương khác như Hà Giang, Cao Bằng và Bắc Kạn cũng có những lễ hội riêng chào mừng Quốc khánh, tạo ra không khí náo nhiệt và đầy màu sắc.

Tất cả những địa phương này đều góp phần làm phong phú thêm bức tranh văn hóa truyền thống của vùng Tây Bắc và miền núi phía Bắc Việt Nam, khẳng định ý nghĩa quan trọng của Tết Độc lập trong đời sống xã hội.

Tin cùng chuyên mục