Tháng 12 năm 2010, tôi nhận tin trúng tuyển nghĩa vụ quân sự. Đó là thời điểm rất gần tết và chúng tôi được ăn tết cùng gia đình trước khi lên đường nhập ngũ. Từ nhỏ tôi chưa từng đi xa nên rất hồi hộp, còn bố mẹ thì lo lắng cho sự non nớt của tôi. Ngày nhập ngũ, cờ hoa rộn ràng phố phường điểm xuyến những khuôn mặt háo hức khoác trên mình màu xanh áo lính. Và cũng không ít giọt nước mắt cuộn trào của các bà mẹ tiễn con đi, trong đó có mẹ của tôi.
Tôi chính thức trở thành anh bộ đội sau khi bước qua cổng vinh quang lên đường. Đơn vị tôi đóng quân tại huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang, cách nhà tôi gần trăm km. Cuộc sống quân ngũ những ngày đầu thật vất vả đối với một chàng trai thư sinh như tôi. Xa nhà, xa bố mẹ cũng phần nào được vơi bớt bởi tình đồng chí, đồng đội trong môi trường quân ngũ.
Gần một năm trong quân đội, tôi từ chàng thư sinh nhút nhát trở thành một người lính rắn rỏi, trưởng thành và kỷ luật. Nhưng trước thời khắc tết đến xuân về, lòng tôi lại thắc thỏm nhớ về gia đình, tôi biết sẽ chẳng có tân binh nào được về nhà đón tết vì đơn vị đã là nhà rồi, đồng đội chính là người thân. Ngày đó chẳng có điện thoại như bây giờ, tôi chẳng biết bố mẹ và em trai đón tết ra sao. Thấy tết về ngang mà lòng thổn thang vời vợi...
Chỉ huy nói với chúng tôi, ăn tết quân đội thú vị lắm chẳng kém tết nhà đâu, mà các cậu cũng chỉ được ăn một lần, năm sau ra quân rồi, sẽ nhớ cái tết này lắm. Quả đúng vậy. Trong khu tăng gia của chúng tôi, mấy cây hoa đào đã bắt đầu hé nụ cười hiền, lột ra những mảnh của ký ức tết xưa thương nhớ. Chúng tôi ngoài chăm vườn rau, su hào, xà lách thì không quên chăm sóc cho cây đào đón tết.
Những năm đón tết ở nhà, tôi chưa từng gói bánh chưng, chưa từng trang trí nhà và bày biện mâm ngũ quả thì tết ấy, tôi được xúm xít cùng đồng đội gói bánh, trang hoàng đơn vị, đón tết về trên mọi nẻo quê hương. Chúng tôi mỗi người một quê, mỗi nơi một phong tục khác nhau nhưng đều đón tết xa nhà đầu tiên. Trong lòng nặng trĩu nhớ mong đoàn viên nhưng trên hết mang trong mình nhiệm vụ thiêng liêng của Tổ quốc nên cũng át đi nỗi nhớ nhà.
Chiếc bánh chưng meo méo của Hoàng quê Yên Bái gói vẫn là chiếc đẹp nhất, còn lại chúng tôi người gói chiếc to, người chiếc nhỏ hay gói lỏng lẻo, khuyết lẹm thành phần... Bếp lửa hồng nổi lên ấm áp. Từng sợi khói nhảy múa lênh láng. Tôi gửi lại bao muộn phiền năm cũ dưới lớp tro tàn, hân hoan khoác vai chiến hữu hòa vào khu vườn tâm hồn nở những đóa bình an. Dòng người hối hả ngược xuôi trở về đón tết, mang mai mang đào và mang cả bầu trời thương nhớ trở về tổ ấm sau một năm làm việc xứ người.
Tôi còn nhớ như in đêm giao thừa năm ấy cũng là phiên gác đêm xuân của tôi. Cô gái nhà ngay gần cổng doanh trại đứng bên cạnh vọng gác cùng đứng ngắm pháo hoa nở rộ ngập trời. Cô gái ấy tên Huệ, người bạn tôi thường xuyên tâm sự những lúc nhớ nhà. Giờ Huệ cũng đã có gia đình nhưng chúng tôi vẫn lưu giữ một tình bạn trong sáng mà khi ấy còn gọi vui là tình quân dân.
Sáng mùng Một tết, điều đầu tiên mà chỉ huy yêu cầu chúng tôi làm là gọi điện về cho bố mẹ để chúc tết. Chúng tôi lần lượt nhấc máy lên, bấm số điện thoại nhà như mật mã cuộc đời. Đứa nào đứa nấy cũng nghẹn ngào nói không có đầu có đuôi, có đứa còn rơm rơm nước mắt, đầu dây bên kia cứ sụt sùi không thôi. Đến lượt tôi, tôi phải gọi về nhà hàng xóm vì nhà tôi không có điện thoại. Mẹ tôi ở nhà cuống quýt chạy sang nhà ông Tháp khi nghe ông báo có con trai gọi về chúc tết.
Sau khi gọi điện cho người thân xong, chúng tôi được chụp chung một bức ảnh kỷ niệm trong không khí tết quân xa nhà. Bức ảnh được in ra và gửi về ngay cho gia đình từng quân nhân. Vài ngày sau thì bố mẹ tôi nhận được. Từ đó tôi cũng hình thành thói quen rằng, sáng mùng Một tết bao giờ gia đình cũng có một bức ảnh đầu năm đủ đầy thành viên rồi mới đi chúc tết xa gần.
Thời gian bện vào từng lọn tóc, tôi đã trở thành ông bố 2 con sau 12 năm rời quân ngũ. Mỗi khi nhìn thấy những thanh niên lên đường nhập ngũ lòng tôi lại nôn nao nhớ về tết quân trong đời. Có thể bịn rịn, nhung nhớ nhưng tràn đầy vinh quang, tự hào mà chỉ những người từng khoác lên mình màu áo lính mới cảm nhận hết được.
Từng vệt ký ức dặn tôi sự biết ơn vì đã cho tôi một thời để nhớ về. Năm nay, tôi đón tết đoàn viên, lại nhớ về tết quân năm nào.
NGUYỄN DUY KHÁNH
Xã Văn Phú, huyện Thường Tín, TP Hà Nội