An sinh cho đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên: Nhọc nhằn tìm sinh kế

LTS: Tây Nguyên có 53 dân tộc cùng sinh sống, trong đó có 52 dân tộc thiểu số (DTTS) với hơn 2,1 triệu người, chiếm 37,65% dân số toàn vùng. Dù đời sống vật chất và tinh thần đã được cải thiện, nhưng số hộ nghèo vùng DTTS vẫn chiếm tỷ lệ cao. Lợi dụng vấn đề này, tội phạm mua bán người đã len lỏi vào đây. Làm thế nào để đồng bào DTTS vùng Tây Nguyên được nâng cao đời sống, hòa nhập vào sự phát triển chung của đất nước, đang là một yêu cầu cấp thiết.

Phong tục tập quán lạc hậu, thiếu đất sản xuất, kỹ thuật canh tác hạn chế, gia đình đông con… đang là những nguyên nhân chính khiến đời sống của người dân tộc thiểu số (DTTS) ở khu vực Tây Nguyên luẩn quẩn trong vòng xoáy nghèo đói.

Thiếu thốn đủ bề

Thời tiết Tây Nguyên chuyển lạnh, những cơn gió thốc mạnh khiến căn nhà của gia đình anh Y Nùn AYun (31 tuổi, trú buôn Drai A, xã Tân Tiến, huyện Krông Pắk) xiêu vẹo. Nói là nhà nhưng thực chất chỉ là căn chòi nhỏ chưa đầy 10m² để vợ chồng cùng 2 con nhỏ trú ngụ. Trong nhà chỉ vỏn vẹn một chiếc giường ngủ, xung quanh lỉnh kỉnh đồ đạc treo tứ tung.

Anh Y Nùn cho hay, sau khi lập gia đình, ruộng vườn ít, đất đai cằn cỗi, lại chỉ biết trồng cây bắp, cây sắn nên chi phí không đủ trang trải cuộc sống. Con gái lớn anh Y Nùn nay 5 tuổi nhưng chưa được đến trường vì bố mẹ chưa có tiền. “Mình cũng muốn có nghề nghiệp để có thu nhập. Nhưng ngặt nỗi nghèo, chẳng được học hành, không được đào tạo nghề nên chẳng biết làm gì để kiếm tiền”, anh Y Nùn chia sẻ.

Ở buôn Drai A, tình cảnh như gia đình anh Y Nùn khá phổ biến. Đất đai cằn cỗi, đa phần người dân dùng để trồng cây bắp, cây mì… Những năm được mùa, được giá, cuộc sống có phần đỡ vất vả. Nhưng năm nào mất mùa, nông sản mất giá, người dân lại chật vật vay mượn khắp nơi để trang trải cuộc sống. Cái nghèo cứ quanh quẩn đeo bám...

R5a.jpg
Một hộ nghèo tại huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông. Ảnh: MAI CƯỜNG

Xe chúng tôi xuyên qua các cánh rừng trùng điệp đến xã Đắk Rơ Ông, huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum. Vòng quanh xã, có thể chứng kiến đời sống của bà con ở đây vẫn còn khó khăn.

Chúng tôi dừng xe thăm nhà chị Y Deo nằm trên lưng chừng dốc ở thôn Mô Bành (xã Đăk Rơ Ông). Căn nhà rộng hơn 50m², được dựng bằng tre nứa, lụp xụp, là nơi ở của chị và 4 người con. Đồ đạc trong nhà không có gì đáng giá, những tia nắng rọi qua khe hở thân nhà. Cả nhà chị Y Deo ngồi sinh hoạt giữa căn nhà chật hẹp.

Ánh mắt người phụ nữ lặng buồn khi chúng tôi hỏi thăm về cuộc sống gia đình. Ông A Vinh, Trưởng thôn Mô Bành, trả lời thay, gia đình chị Y Deo thuộc hộ nghèo, đất sản xuất ít. Chồng chị Y Deo mất, một mình chị nuôi đàn con. Mới đây, chị bị tai biến, cuộc sống càng thêm khó khăn. Trên địa bàn thôn, ngoài chị Y Deo, còn 26 hộ khác cũng thuộc diện nghèo.

Tâm lý trông chờ, ỷ lại

Theo bà Mai Thị Luận, Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Rơ Ông, địa phương có 191 hộ nghèo, gia đình đông con, thiếu đất sản xuất, vốn liếng làm ăn, lại không biết áp dụng kỹ thuật canh tác, hầu hết họ là người DTTS. Nhiều hộ còn tâm lý trông chờ, ỷ lại sự hỗ trợ của nhà nước.

Ghé sang thôn Kon Hia 1 (xã Đăk Rơ Ông) kế bên, gặp anh A Định trong lúc anh dẫn 2 con bò ra đồng chăn thả. Anh kể, hơn 5 năm trước, vợ chồng anh kết hôn và sinh con. Gia đình trồng mì, lúa nhưng diện tích ít, giá trị cây trồng mang lại thấp, năng suất không cao nên vẫn nghèo.

Vừa qua, gia đình được nhà nước tặng bò để sản xuất, vợ chồng anh rất cảm động vì có thêm nguồn lực để phát triển kinh tế. Hàng ngày, vợ chồng thay nhau chăn thả để bò nhanh lớn, nhân rộng đàn. Ông A Lép, Trưởng thôn Kon Hia 1, cho biết, thôn có 39 hộ nghèo trong tổng số 176 hộ của thôn.

Đi dọc các tỉnh Tây Nguyên, đến với những buôn làng, chúng tôi ghi nhận số hộ nghèo là DTTS chiếm tỷ lệ lớn. Như tại huyện biên giới Chư Prông (tỉnh Gia Lai), tỷ lệ đồng bào DTTS chiếm 49,5%, tập trung các xã vùng sâu vùng xa, vùng biên giới.

Ông Đinh Văn Dũng, Bí thư Huyện ủy Chư Prông, cho biết: “Người dân nghèo do các hủ tục lạc hậu còn tồn tại, do trình độ dân trí thấp, lại chỉ trông chờ ỷ lại, không biết tự vươn lên. Ngoài ra, một số hộ dân thiếu đất sản xuất, trình độ canh tác thấp…”.

Theo Sở LĐTB-XH tỉnh Kon Tum, đến cuối năm 2024, tổng số hộ nghèo trên địa bàn tỉnh là 6.556 hộ, hộ cận nghèo là 5.547 hộ. Trong đó, số hộ nghèo, hộ cận nghèo là người DTTS chiếm 95% so với tổng số hộ nghèo, cận nghèo (hơn 2.800 hộ nghèo, cận nghèo không có khả năng lao động).

Còn tại tỉnh Đắk Lắk, tính đến cuối năm 2023, toàn tỉnh còn 46.091 hộ nghèo, 34.230 hộ cận nghèo. Trong đó, số hộ nghèo DTTS là 31.229 hộ, chiếm tỷ lệ 67,7%; hộ cận nghèo là 18.957 hộ, chiếm tỷ lệ 55,4%.

Tin cùng chuyên mục