Dư luận ủng hộ
Uống rượu bia là một trong những nguyên nhân chính gây ra các vụ tai nạn giao thông làm thương vong nhiều người dân ở New South Wales (NSW). Trong năm 2018, tại NSW, đã có 68 người chết trong các vụ tai nạn giao thông có liên quan đến rượu bia. Ngoài ra, số vụ tai nạn chết người do lái xe sử dụng các chất ma túy cũng ở mức tương tự.
Dù đã áp dụng mức xử phạt nặng trong hơn 30 năm qua, bang NSW của Australia vẫn tiếp tục ban hành mức phạt nghiêm khắc hơn đối với lái xe uống rượu bia, ngay cả khi nồng độ cồn ở mức thấp nhất.
Theo quy định mới về xử phạt người uống rượu lái xe, tài xế bị phát hiện có nồng độ cồn ở từ mức 0,05mg/lít khí thở trở lên sẽ ngay lập tức bị treo bằng lái trong 3 tháng và nộp phạt 561 AUD (385 USD).
Những người bị phát hiện lái xe trong tình trạng dương tính với ma túy cũng sẽ chịu hình phạt tương tự. Lâu nay, bang NSW quy định lái xe bị phát hiện có nồng độ cồn thấp (từ 0,05-0,07mg/lít) chỉ bị phạt nếu tái phạm.
Mức phạt sẽ do tòa án quyết định, vì cảnh sát chỉ có quyền dừng xe và yêu cầu thổi máy đo nồng độ cồn, lập biên bản và chuyển hồ sơ sang tòa án. Với quy định mới, cảnh sát không phải chuyển biên bản sang tòa mà có toàn quyền phạt ngay tại chỗ, kể cả những người lần đầu vi phạm.
Trước bang NSW, một bang khác ở Australia là Victoria cũng đã triển khai áp dụng hình thức phạt như trên từ đầu năm 2018. Không chỉ bị tước bằng lái, xe của người vi phạm còn bị gắn thiết bị kiểm soát nồng độ cồn được kết nối với bộ phận khởi động của xe.
Thiết bị chỉ cho phép khởi động xe sau khi kiểm tra thấy hơi thở của lái xe không có nồng độ cồn. Thiết bị này được gắn trên xe trong 6 tháng và người vi phạm sẽ phải thanh toán mọi phí tổn liên quan đến việc lắp đặt và hoạt động của thiết bị này.
Số người thương vong trong các vụ tai nạn giao thông cũng làm giới chức Nga phải đau đầu, nhất là trong những kỳ nghỉ lễ dài ngày. Theo Moscow Times, trong dịp lễ đón năm mới từ ngày 1 đến 8-1 năm nay, tại Nga đã xảy ra 1.700 vụ tai nạn giao thông làm 227 người chết. Trong số đó có 100 vụ tai nạn do sử dụng rượu bia làm 12 người thiệt mạng.
Để ngăn chặn tình trạng này, vào giữa tháng 5 vừa qua, Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga ngay trong lần bỏ phiếu đầu tiên đã thông qua dự luật về tăng cường hình phạt đối với các vụ tai nạn đường bộ gây hậu quả chết người do lái xe sử dụng rượu bia.
Theo Ria Novosti, dự luật đề xuất sửa đổi Điều 264 Bộ Luật hình sự Liên bang Nga (Vi phạm luật đường bộ và sử dụng phương tiện giao thông), hình phạt sẽ tăng nặng hơn là phạt tù từ 3-7 năm, thay vì mức 4 năm như luật hiện nay, nếu vụ tai nạn gây tổn hại nặng nề sức khỏe cho người khác.
Nếu vụ tai nạn làm 1 người tử vong, mức phạt tù sẽ từ 5-12 năm (luật hiện nay từ 2-7 năm), còn nếu dẫn đến cái chết của 2 người trở lên, mức phạt từ 8-15 năm tù (hiện tại từ 4-9 năm).
Ngoài ra, dự luật cũng đề xuất tăng hình phạt đối với các hành vi phạm tội tương tự trong tình trạng say rượu khi tham gia giao thông đường sắt, đường hàng không, đường biển, đường thủy nội địa và tàu điện ngầm.
Chủ tịch Duma Quốc gia Vyacheslav Volodin cho biết, đề xuất này trước đó đã được tất cả các đảng phái chính trị nhất trí đệ trình lên Hạ viện và được các bộ ngành liên quan cũng như xã hội rất ủng hộ.
Mức phạt cao, tai nạn thấp
Tại khu vực Bắc Mỹ, Chính phủ Canada giới hạn mức cồn trong máu cho phép là 80mg/100ml. Người phạm tội lái xe đã uống rượu lần đầu sẽ bị phạt 1.000 CAD (746 USD) và bị đình chỉ giấy phép lái xe trong thời gian 1 năm. Những người tái phạm có thể bị phạt đến 18 tháng tù và cấm lái xe trong 3 năm.
Ở Mỹ, giới hạn mức cồn trong máu cho phép cũng tương tự Canada. Nước này còn thực hiện chính sách không dung thứ đối với trẻ vị thành niên lái xe trong tình trạng say rượu bia.
Tiền phạt, đình chỉ giấy phép lái xe và án tù có thể được áp dụng tùy vào tần suất của hành vi phạm tội. Theo nghiên cứu của Ủy ban Sức khỏe và Y dược Mỹ, ở các bang thi hành luật lệ nghiêm khắc hơn và mức phạt cao hơn đối với tài xế sử dụng rượu bia thì tỷ lệ xảy ra tai nạn thấp hơn hẳn các bang khác.
Ở châu Á, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và Singapore đều áp dụng mức phạt cao. Tại Trung Quốc, người lái xe bị phát hiện trong máu có nồng độ cồn từ 80mg/100ml trở lên sẽ bị tạm giữ 15 ngày, tước bằng lái xe và trong 5 năm sau đó không được cấp bằng trở lại. Nếu tài xế say rượu gây thương tích nghiêm trọng hoặc tử vong, sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự và tước bằng lái xe suốt đời.
Giới chức Trung Quốc cho biết, nhờ xây dựng cơ chế thường xuyên và hiệu quả trong xử lý các hành vi lái xe sau khi sử dụng rượu bia, đã có hàng vạn tài xế bị xử phạt khi vi phạm quy định. Việc áp dụng thường xuyên các hình phạt nghiêm khắc cũng giúp số vụ vi phạm và gây tai nạn giao thông có xu hướng giảm.
Tại Singapore, nếu bị phát hiện có nồng độ cồn trên 0,35mg/lít khí thở, người điều khiển phương tiện sẽ bị phạt tiền lên đến 5.000 SGD (tương đương 3.600 USD) và đối diện với 6 tháng tù giam. Việc xử phạt sẽ dựa vào từng vụ việc.
Các mức phạt sẽ được quy định dựa trên 2 yếu tố là sự nguy hiểm của hành vi và nồng độ cồn của lái xe. Những lỗi nặng nhất có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự và đối diện với các hình phạt tù và lao động công ích. Nếu tái phạm, tài xế sẽ phải đối mặt với mức hình phạt tăng thêm.
Riêng ở Hàn Quốc, nếu phát hiện người lái xe đã uống 3 ly rượu soju trước khi cầm lái, tài xế có thể đối diện với 3 năm tù giam. Với nồng độ cồn vượt mức 0,05mg/lít khí thở, lái xe bị quy vào tội hình sự và có thể ngồi tù 3 năm, bị phạt 10 triệu won (khoảng 8.800 USD) và bằng lái bị thu hồi hoặc đình chỉ có thời hạn, tùy thuộc vào mức độ vi phạm.
Ngoài ra, hành vi chống lại yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn cũng bị coi là tội hình sự. Nếu không có lý do chính đáng, người lái xe không tuân thủ yêu cầu của cảnh sát sẽ bị bắt ngay lập tức hoặc bị truy nã nếu bỏ trốn.
Ở Nhật Bản, với nồng độ cồn từ 0,15mg/lít khí thở, người điều khiển phương tiện bị phạt tù từ 3 - 5 năm và nộp phạt 500.000 yen (4.528 USD). Lái xe say rượu gây tai nạn phải ngồi tù 20 năm đối với tai nạn chết người và 15 năm đối với tai nạn không chết người. Thậm chí, nếu phương tiện có chở theo hành khách nhưng hành khách không kịp thời phát hiện và ngăn cản lái xe đang trong tình trạng say rượu hoặc không tỉnh táo, hành khách cũng bị phạt tiền hoặc ngồi tù. Đối với lái xe không tuân thủ yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn, họ có thể bị quy vào tội chống người thi hành công vụ với mức phạt tương đương hoặc nặng hơn tội lái xe trong tình trạng say rượu. |