Các cá nhân, tổ chức nêu nhiều ý kiến về định hướng phát triển TP thông minh. Đặc biệt, không ít chuyên gia băn khoăn trước bài toán an ninh mạng khi thiết lập hệ thống thông tin xuyên suốt trong TP thông minh.
Đề án xây dựng TP thông minh nêu rõ: TPHCM có nhu cầu thiết lập một trung tâm cơ sở dữ liệu sử dụng chung (dữ liệu mở). Kho dữ liệu của tất cả sở, ngành sẽ tập trung về đây, phát triển thành hệ sinh thái dữ liệu mở. Người dân có thể dễ dàng truy cập, tìm hiểu mọi thông tin từ trung tâm này…
Theo nhận định, quá trình vận hành, phát triển không thể tránh khỏi vướng mắc, rủi ro, có thể gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Phân tích phương án đảm bảo an toàn thông tin khi chia sẻ dữ liệu mở, ông Lê Quốc Cường, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM, cho biết khi thực hiện kết nối, chia sẻ thông tin trên nền tảng mở, TP sẽ đưa ra các tiêu chuẩn, quy định, biện pháp kỹ thuật… nhằm đảm bảo an toàn, ngăn chặn, xử lý sự cố tấn công từ bên ngoài. Dữ liệu kết nối thông suốt nhưng luôn đảm bảo phân cấp, phân quyền, tăng cường bảo mật trên hệ thống.
“Trong đề án đô thị thông minh, TPHCM vạch ra phương án tổ chức trung tâm an ninh mạng nhằm bảo vệ hệ thống cũng như các đầu mối kết nối”, ông Cường nhấn mạnh.
Kiến trúc sư Cao Hùng, Công ty Bảo mật Palo Alto Networks, góp ý TPHCM cần tổ chức mạng lưới ứng cứu, đề phòng tình huống cơ sở dữ liệu bị xâm nhập, phá hoại. Ông Guru Mallikarjuna, Phó Chủ tịch tiểu ban Công nghệ thông tin và truyền thông (thuộc EuroCham), cho rằng con người, chính quyền, hạ tầng… là trụ cột của TP thông minh.
Do đó, hệ thống các sở, ngành sẽ phải kết nối chặt chẽ, từ đó hình thành mạng lưới tổng thể đô thị thông minh. Để làm được điều này, TP không thể thiếu mạng lưới kết nối internet tốc độ cao, hiện đại bậc nhất. Đây là nền tảng tăng cường năng lực ở TP thông minh. Cạnh đó, đô thị thông minh còn cần nhiều yếu tố như: y tế, giao thông, năng lượng… thông minh. Lĩnh vực công nghiệp cũng cần chuyển đổi cách thức sản xuất theo hướng nâng cao năng suất từ ứng dụng công nghệ.