Sản lượng bị đe dọa
Sau lượng mưa dưới mức bình thường vào tháng 6 và tháng 7, Thái Lan đã khuyến cáo nông dân hạn chế diện tích trồng lúa vụ thứ hai. Ở Ấn Độ, lượng mưa phân bố thất thường đã dẫn đến lũ lụt ở một số bang trồng lúa phía Bắc, trong khi một số bang phía Đông thiếu lượng mưa để bắt đầu gieo trồng lúa. Theo ông Krishna Rao, Chủ tịch Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Ấn Độ, chỉ khi lượng mưa ổn định, New Delhi mới có thể ngừng lệnh cấm xuất khẩu nhiều mặt hàng gạo - được áp dụng từ tháng 7.
Tại Trung Quốc, các thương nhân và nhà phân tích cho biết, lũ lụt đã gây thiệt hại cho vụ bắp và lúa ở vành đai sản xuất ngũ cốc quan trọng phía Bắc đất nước, với dự báo mưa sẽ nhiều hơn khi các cơn bão khác ập đến, đe dọa gây thêm áp lực lạm phát lương thực toàn cầu. Vụ mùa ngũ cốc của Trung Quốc bị ảnh hưởng mặc dù mức độ chưa rõ ràng. Miền Bắc Trung Quốc đang phải vật lộn với những trận lụt do nước sông dâng cao và nước lũ do cơn bão Doksuri gây ra 2 tuần trước, có thể chứng kiến thêm thiệt hại mùa màng do cơn bão nhiệt đới Khanun mới nhất.
Ước tính ban đầu cho thấy, lũ lụt có thể đã gây thiệt hại 4-5 triệu tấn bắp, tương đương khoảng 2% sản lượng của cả nước. Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ, nhập khẩu bắp của Trung Quốc dự kiến tăng lên mức cao nhất mọi thời đại là 23 triệu tấn vào năm 2023-2024, từ 18 triệu tấn trong giai đoạn 2021-2022.
Nguy cơ
Các nhà phân tích và thương nhân cho biết, nguồn cung hạn chế có nguy cơ làm tăng giá gạo và lạm phát lương thực toàn cầu, ảnh hưởng đến người tiêu dùng nghèo ở châu Á và châu Phi. Theo ông Peter Clubb, nhà phân tích tại Hội đồng Ngũ cốc quốc tế (IGC), phải xem các hạn chế của Ấn Độ có hiệu lực trong bao lâu.
Lệnh cấm có hiệu lực càng lâu thì các nhà xuất khẩu khác càng khó bù đắp cho sự thiếu hụt. Lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ khiến thị trường thế giới căng thẳng và có thể đẩy các nước xuất khẩu gạo còn lại cũng có thể đưa ra lệnh cấm tương tự. Điều này gây lo ngại giá lương thực toàn cầu, vốn đã cao sau khi xảy ra xung đột tại Ukraine, càng cao thêm.
Theo các nhà phân tích, những hạn chế mới nhất của Ấn Độ gần giống với những hạn chế mà nước này áp đặt vào năm 2007 và 2008, gây ra hiệu ứng domino khi nhiều quốc gia khác buộc phải hạn chế xuất khẩu để bảo vệ người tiêu dùng địa phương. Năm 2008, giá gạo đạt mức cao kỷ lục trên 1.000 USD/tấn sau khi Ấn Độ, Việt Nam, Bangladesh, Ai Cập, Brazil và các nhà sản xuất nhỏ khác hạn chế xuất khẩu.
Lần này, các nhà xuất khẩu gạo sẽ không thể tăng xuất khẩu hơn 3 triệu tấn mỗi năm, khi họ cố gắng đáp ứng nhu cầu trong nước trong bối cảnh thặng dư hạn chế. Do đó, tác động đối với nguồn cung và giá cả có thể còn sâu rộng hơn năm 2008, vì Ấn Độ hiện chiếm hơn 40% thương mại gạo toàn cầu so với khoảng 22% so với 15 năm trước. Giá gạo toàn cầu đã tăng khoảng 20% kể từ lệnh cấm xuất khẩu của Ấn Độ.