Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Đăng Trung, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác kinh tế đa phương, Bộ Ngoại giao, cho rằng, trong bối cảnh hậu đại dịch, vấn đề an ninh lương thực thế giới đang đối mặt với một loạt thách thức nghiêm trọng từ biến đổi khí hậu, xung đột địa chính trị, gia tăng rào cản thương mại từ các nước. Theo FAO, chỉ số giá lương thực hiện nay tăng cao nhất trong vòng 33 năm trở lại đây. Trong bối cảnh đó, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã đặt an ninh lương thực là một trong những mục tiêu hành động hàng đầu. Chính phủ đã thông qua Nghị quyết 34 đảm bảo an ninh lương thực quốc gia đến năm 2030 với mục tiêu đảm bảo an ninh lương thực cho người dân, hướng đến phát triển bền vững. Với tinh thần thúc đẩy ngoại giao kinh tế, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm, thời gian qua, Bộ Ngoại giao đã có những chương trình hành động để hỗ trợ doanh nghiệp kết nối với các đối tác trong và ngoài nước trong quá trình tham gia thảo luận và xây dựng chính sách, phát triển kinh tế ở địa phương.
Theo ông Nguyễn Đăng Trung, diễn đàn an ninh lương thực được tổ chức tại TPHCM lần này là cơ hội để các địa phương, doanh nghiệp, chuyên gia đầu ngành về nông nghiệp chia sẻ thông tin, kinh nghiệm về an ninh lương thực và kiến nghị các chính sách để hỗ trợ Chính phủ trong quá trình hoàn thiện chính sách hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng lương thực, thực phẩm trên toàn cầu.
Ông Rémi Nono Womdim, Trưởng Đại diện Tổ chức FAO tại Việt Nam, cho biết, trong năm ngoái, hơn 2 tỷ người bị ảnh hưởng trong cuộc khủng hoảng an ninh lương thực toàn cầu, trong đó có khu vực châu Á - Thái Bình Dương. An ninh lương thực đang trở thành vấn đề nóng trên toàn cầu.
Đánh giá cao những cam kết của Việt Nam trong việc chuyển đổi sang các hệ thống lương thực thực phẩm xanh và carbon thấp, ông Rémi Nono Womdim khẳng định, trong nhiều năm qua FAO luôn đồng hành, ủng hộ những bước chuyển về chính sách của ngành nông nghiệp Việt Nam. Thông qua việc hợp tác và chia sẻ, Việt Nam có thể đẩy nhanh quá trình chuyển đổi các hệ thống lương thực thực phẩm theo hướng hiệu quả hơn, bao trùm hơn, bền vững hơn. Để các kế hoạch chuyển đổi lương thực đạt kết quả tốt, theo ông Rémi Nono Womdim cần chú trọng các yếu tố như công nghệ, đổi mới sáng tạo, quản trị nguồn nhân lực trong nông nghiệp, cũng như thể chế, chính sách phù hợp.
Tại buổi tọa đàm, các chuyên gia đã trao đổi cách chuyển đổi các hệ thống nông lương để hiện thực hóa tính bền vững và khả năng phục hồi lâu dài hơn, các biện pháp thúc đẩy thị trường nông sản toàn cầu theo cách bền vững để tránh sự gián đoạn của chuỗi cung ứng, cải thiện an ninh nguồn nước...