Nhiễm trùng do xăm thẩm mỹ
Xăm mình, xăm chân mày, xăm môi là những dịch vụ làm đẹp cơ thể không còn xa lạ với nhiều người. Tại TPHCM, dịch vụ phun xăm thẩm mỹ ngày càng mọc lên như nấm sau mưa với những lời quảng cáo mỹ miều.
Ngoài những cơ sở thẩm mỹ lớn, vô số salon tóc, cơ sở chăm sóc da cũng lấn sân sang dịch vụ này. Điển hình như thẩm mỹ viện M.V. trên đường Đoàn Nguyễn Tuân (xã Hưng Long, huyện Bình Chánh). Sau một tháng đi học các phương pháp chăm sóc da và xăm chân mày, xăm môi tại một thẩm mỹ viện ở quận 3, chị Mỹ V. (chủ tiệm tóc M.V.), liền “hô biến” salon tóc của mình thành một thẩm mỹ viện chuyên các dịch vụ làm đẹp.
Ngoài chăm sóc da, nối lông mi, chị còn nhận cả xăm chân mày, xăm môi khi khách có nhu cầu. Theo chị Mỹ V., từ ngày mở thêm dịch vụ xăm chân mày, xăm môi, thẩm mỹ viện ngày càng đắt khách đến làm đẹp.
Với mong muốn mình trở nên xinh đẹp hơn, nhiều chị em đã bỏ ra khoản tiền không nhỏ để xăm môi, xăm chân mày... Nam giới thì thường xăm những hình, họa tiết lên ngực, cánh tay… Tuy nhiên, phương pháp làm đẹp này cũng khiến nhiều người lao đao vì đẹp đâu chưa thấy đã thấy da phù nề, sưng đỏ, ngứa ngáy, tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe.
Mới đây, anh N.T.A. (25 tuổi, ngụ TPHCM) đến Bệnh viện Da liễu khám trong tình trạng vết xăm hình ở cánh tay phải bị sưng, vùng da xăm bị rộp nước, đau và ngứa, sốt. Bác sĩ chẩn đoán anh bị nhiễm trùng do xăm hình.
Bác sĩ Lê Thảo Hiền, Khoa Thẩm mỹ da - Bệnh viện Da liễu TPHCM, cho biết thời gian qua, đơn vị này tiếp nhận nhiều trường hợp bệnh nhân xăm hình bị nhiễm trùng, dị ứng mực xăm đến khám và điều trị. Không chỉ vậy, phương pháp làm đẹp này còn là con đường ngắn nhất lây nhiễm các bệnh nguy hiểm như: Herpes môi, HIV, viêm gan, giang mai, phong, lao, đậu mùa, hạt cơm, u mềm…
Tiềm ẩn nhiều nguy cơ
Theo bác sĩ Lê Thảo Hiền, bản chất của việc xăm môi, xăm chân mày hay xăm hình trên cơ thể đều có chung cơ chế là đưa mực xăm xuống lớp thượng bì của da. Tuy nhiên, phun xăm thẩm mỹ có thể gây hại khi sử dụng mực xăm không an toàn, dễ nhiễm trùng.
“Xăm hình, xăm môi, xăm chân mày tưởng như vô hại nhưng ẩn chứa rất nhiều nguy cơ. Một số phản ứng xảy ra tức thì sau khi xăm, một số phản ứng xuất hiện sau vài tuần hoặc nhiều năm sau đó mà bệnh nhân không biết nguyên nhân”, bác sĩ Lê Thảo Hiền cho biết.
Các bác sĩ khuyến cáo, lựa chọn các cơ sở thẩm mỹ được cấp phép, có uy tín là việc làm đầu tiên khi muốn phun, xăm thẩm mỹ. Sau khi phun, xăm, nếu thấy có các dấu hiệu của bệnh ngoài da hoặc bị sẹo, hãy đến gặp bác sĩ chuyên khoa da liễu. Trong những trường hợp dị ứng nhẹ (có dấu hiệu bất thường trên vùng da xăm hình), nên thông báo với cơ sở mình phun, xăm trước đó và hỏi cách xử lý. Nếu phản ứng kéo dài hơn 1 hoặc 2 tuần, cần đến gặp bác sĩ da liễu tư vấn, điều trị. Với những trường hợp bị dị ứng nặng như khó thở, đánh trống ngực, tức ngực, chóng mặt, đau bụng, sưng phù nhiều, đau dữ dội, da đỏ bừng, hoặc nổi mảng phù ngứa, cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được xử trí kịp thời |
Một số người xuất hiện phản ứng dị ứng sau khi điều trị một bệnh lý khác, chẳng hạn như sau khi bắt đầu điều trị bằng thuốc kháng virus cho HIV, hoặc phẫu thuật thay khớp. Hầu hết mọi người đều bị dị ứng với một màu mực cụ thể, trong đó màu đỏ thường gây dị ứng nhiều nhất.
Tuy nhiên, bất kỳ mực xăm màu nào cũng có thể gây dị ứng khiến da vùng xăm bị đỏ và sưng, ngứa, có những mảng hoặc nốt gồ lên da, da rộp nước, da rỉ dịch, đóng mài... Nổi phát ban cũng là một trong những phản ứng thường gặp sau khi phun, xăm lên da. Ngoài ra, việc xăm mình có thể gây khởi phát các bệnh lý về da như bệnh vảy nến, viêm da cơ địa (bệnh chàm), bạch biến, lichen phẳng, sẹo lồi, ung thư da.
Theo các bác sĩ, nguy hiểm nhất là xăm chân mày, xăm môi, xăm mình... có sử dụng thuốc gây tê, dễ xảy ra phản ứng, ngộ độc thuốc và có thể tử vong. Thường các cơ sở thẩm mỹ sử dụng thuốc bôi tê, nhưng trong quá trình thực hiện, kim xăm sẽ đẩy thuốc tê vô mạch máu và có thể sốc thuốc.