Ẩn họa từ bánh trung thu trôi nổi

Dù còn gần một tháng nữa mới đến rằm tháng tám âm lịch - Tết Trung thu nhưng trên các chợ mạng, sàn thương mại điện tử, cửa hàng tạp hóa, chợ dân sinh trên địa bàn TPHCM, bánh trung thu đã được bày bán từ rất sớm. Bên cạnh những mặt hàng truyền thống có nguồn gốc rõ ràng, thì nhiều loại bánh giá rẻ, không rõ nguồn gốc xuất xứ được bán công khai, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất vệ sinh an toàn thực phẩm.

Tràn lan bánh “3 không”

Thời điểm này, nhiều cửa hàng, chợ truyền thống trên địa bàn TPHCM đã bày bán các sản phẩm bánh trung thu với đa dạng hương vị, màu sắc và giá cả. Bên cạnh các loại bánh trung thu có thương hiệu, thì nhiều sản phẩm bánh trung thu nhập khẩu, bánh “nhà làm” được bày bán khắp nơi từ vỉa hè, chợ dân sinh cho tới mạng xã hội. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại, những mặt hàng “nhà làm” này được bày bán dưới dạng 3 không (không nhãn mác, không thương hiệu, không hạn sử dụng), giá bán dao động từ 15.000 - 250.000 đồng/bánh tùy loại. Nhiều sạp bán hàng còn giới thiệu các loại bánh có nhân đặc biệt cao cấp như bánh nhân bào ngư, cá hồi, gà quay… với giá từ 450.000 đồng đến cả triệu đồng/hộp tùy loại nhân.

Chị T., một tiểu thương tại chợ Bình Tây (quận 6) cho biết, từ đầu tháng 8, loại bánh trứng muối bông lan tan chảy giá 25.000 đồng/bánh đang bán rất chạy, bánh nướng thập cẩm truyền thống “nhà làm” chỉ 280.000 đồng/hộp 4 bánh. Theo tiểu thương này, các loại bánh trung thu trứng muối tan chảy hàng nội địa Trung Quốc và bánh “nhà làm” bán được nhiều hơn so với các loại bánh có thương hiệu vì giá cả phải chăng, nhiều vị, phù hợp với túi tiền số đông. “Bánh thương hiệu lớn thì đa số họ có quầy hàng bán riêng, tiểu thương tại các chợ chỉ bán các loại bánh dẻo, bánh thủ công của cá nhân tự làm hoặc bánh nhập nội địa Trung Quốc giá rẻ mới có thể cạnh tranh”, chị T. chia sẻ.

Tương tự, tại chợ Gò Vấp, tiểu thương N. giới thiệu các loại bánh nướng nhân trứng muối, thập cẩm, gà xé được bán đồng giá 90.000 đồng/ bánh, khách khi mua được tặng kèm theo hộp để tiện làm quà biếu. Theo quan sát, bánh được bao bằng túi ni lông sơ sài, không có thông tin thành phần nguyên liệu, hạn sử dụng, nơi sản xuất, nhưng khi được hỏi về thông tin chất lượng nguyên liệu thì chị N. một mực khẳng định: “Bánh được nhập từ hệ thống lớn, đều đã được kiểm định, có giấy chứng nhận an toàn thực phẩm TPHCM, nên đảm bảo an toàn về chất lượng, không phải như các loại bánh trôi nổi bán trên mạng”.

Trên mạng xã hội, sàn thương mại điện tử, bánh trung thu được quảng cáo rầm rộ, từ bánh truyền thống tự làm, bánh thương hiệu cao cấp cho đến các loại bánh có xuất xứ từ Trung Quốc. Không khó để tìm được những gian hàng bán giá cực rẻ chỉ vài ngàn cho đến vài chục ngàn đồng. Để thu hút người mua, người bán hàng còn cam kết là bánh tự làm, không chất bảo quản, không phụ gia, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, được làm từ nguyên liệu cao cấp, quy trình khép kín đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm…

S7a (1).jpg
Bánh trung thu không rõ nguồn gốc được bày bán tại một chợ ở TPHCM

Nguy cơ ngộ độc thực phẩm

Theo các chuyên gia y tế, có rất nhiều tiêu chí vệ sinh an toàn thực phẩm cho một quy trình từ sản xuất bánh trung thu như: Nguyên liệu, chất phụ gia, máy móc, thiết bị, nhà xưởng, môi trường... nếu chỉ một khâu trong quy trình sản xuất bị “hỏng” thì việc lây nhiễm chéo rất dễ xảy ra. Các loại độc tố tự nhiên được sản sinh bởi một số loại nấm mốc trong điều kiện ấm và ẩm, gây ảnh hưởng đến chất lượng thực phẩm, đặc biệt là thực phẩm làm từ ngũ cốc, bột mì, nguyên liệu sử dụng trong bánh trung thu. Ngoài ra, để kéo dài thời hạn sử dụng, nhiều thợ làm bánh thường sử dụng chất bảo quản hóa học gây hại cho sức khỏe con người.

Bác sĩ CKI Hoàng Minh Dũng, Khoa Cấp cứu hồi sức, Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn, cho biết bánh trung thu dùng nhiều loại nguyên liệu nên tiềm ẩn các mối nguy hiểm như độc tố nấm mốc, chất tạo màu không được phép sử dụng hay chất bảo quản hóa học nếu quá trình chế biến không đảm bảo. Mầm bệnh, vi sinh vật có thể xuất hiện nếu bánh không được sản xuất hoặc bảo quản đúng cách, một số nấm mốc tiết độc tố nguy hiểm như: Mycotoxin, Aflatoxin, Trichothecene... Trong đó, Mycotoxin là chất độc chịu nhiệt có thể ảnh hưởng đến gan, thận hoặc hệ miễn dịch khi sử dụng ở liều lượng cao. Còn Aflatoxin là một nhóm các độc tố nấm mốc và là một trong những loại mạnh nhất về độc tính cấp tính và có đặc tính gây ung thư.

“Quá trình làm bánh trung thu thường liên quan đến việc xử lý các thành phần bằng tay trần, nếu điều kiện chế biến không đảm bảo, các tác nhân gây bệnh có thể xâm nhập vào quá trình sản xuất khi xảy ra tình trạng nhiễm chéo. Một số chủng gây bệnh của Escherichia Coli còn sản sinh ra độc tố Shiga, gây ra các triệu chứng của ngộ độc thực phẩm như đau bụng, tiêu chảy hoặc nôn sau khi tiêu thụ thực phẩm”, bác sĩ CKI Hoàng Minh Dũng khuyến cáo.

Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), đã có khuyến cáo người tiêu dùng nên chọn mua bánh tại những cơ sở có uy tín, thông tin nguồn gốc xuất xứ rõ ràng… Hiện nay, bên cạnh các cơ sở sản xuất kinh doanh bánh trung thu uy tín thì cũng còn một số tổ chức, cá nhân có hành vi lén lút bán bánh nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho người sử dụng.

Luật sư Nguyễn Thế Cương, Giám đốc Công ty Luật TNHH MTV Đức Chính (Đoàn Luật sư TPHCM), nhận định việc kinh doanh bánh trung thu nói riêng và hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ nói chung là hành vi vi phạm pháp luật. Bánh trung thu không rõ nguồn gốc xuất xứ là loại bánh lưu thông trên thị trường không có căn cứ để xác định được nơi sản xuất, không có tem nhãn sản phẩm. Nếu cá nhân, tổ chức có hành vi kinh doanh bánh trung thu hoặc hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính, buộc tiêu hủy bánh, ngoài ra sẽ buộc thực hiện biện pháp khắc phục nếu gây ra hậu quả.

Tin cùng chuyên mục