Ẩn họa khó lường

Số liệu thống kê mới nhất được Bộ Nội vụ Đức công bố ngày 14-5 cho thấy, số vụ phạm tội mang tư tưởng bài ngoại và theo chủ nghĩa bài Do Thái đã tăng mạnh trong năm 2018 tại Đức.


Người di cư vượt biển vào châu Âu
Người di cư vượt biển vào châu Âu

Mức tăng đáng ngại

Trong năm 2018, tại Đức có 7.701 vụ phạm tội mang tư tưởng bài ngoại, tăng 19,7% so với năm 2017. Trong khi đó, số vụ phạm tội chống người Do Thái xảy ra tại Đức trong năm 2018 cũng có mức tăng tương tự, ở mức 1.799 vụ. Phát biểu tại một cuộc họp báo, Bộ trưởng Nội vụ Đức Horst Seehofer cho biết, gần 90% thủ phạm của các vụ tấn công trên mang tư tưởng cực đoan cánh hữu.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas cũng bày tỏ sự lo ngại của mình về việc tình trạng bạo lực bài ngoại đang ngày một gia tăng khi cho biết sự căm thù người Do Thái và các vụ bạo lực nhằm vào người thiểu số hiện đang lan rộng trên khắp châu Âu.

Phát biểu trong một sự kiện diễn ra tại thủ đô Berlin, ông Heiko Maas đã kêu gọi lòng vị tha đối với các nhóm người thiểu số, nhấn mạnh cần phải bảo vệ một người phụ nữ với chiếc khăn trùm đầu trước những lời lăng mạ và hành động tấn công giống như bảo vệ một người đàn ông đội mũ kippa, một trang phục tôn giáo của người Do Thái.

Bên cạnh đó, Ngoại trưởng Đức cũng hối thúc các nỗ lực nhằm thu hẹp “lỗ hổng kiến thức” khi cho rằng nhận thức lịch sử là biện pháp hiệu quả nhất để chống lại sự không khoan dung, sự phân biệt chủng tộc và nạn bài Do Thái.

Không riêng ở Đức, thời gian qua, trên toàn châu Âu, các đảng dân túy cánh hữu đang lợi dụng tâm lý bất an của người dân liên quan đến vấn đề nhập cư và “bản sắc dân tộc” để cổ súy chủ nghĩa bài ngoại và bài Hồi giáo. Khi dòng người nhập cư từ Trung Đông - Bắc Phi ồ ạt đổ về châu Âu, mối lo ngại về sự thay đổi văn hóa cũng lớn không kém mối lo ảnh hưởng tới việc làm hay an ninh, khiến một bộ phận người dân châu Âu phản đối người nhập cư. Việc người dân Anh muốn rời bỏ Liên minh châu Âu (EU), hay phong trào biểu tình Áo vàng với các vụ bạo loạn kéo dài ở Pháp từ cuối năm ngoái tới nay, có mầm mống từ chủ nghĩa dân túy cực đoan.

Bình đẳng cho người nhập cư

Trong sự kiện đánh dấu kỷ niệm 70 năm Hiến pháp Đức (hay còn gọi là Luật cơ bản) tại thủ đô Berlin ngày 14-5, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã lên tiếng kêu gọi tạo cơ hội bình đẳng cho tất cả mọi người, kể cả người nhập cư và không có sự phân biệt về sắc tộc và tôn giáo, mỗi người đều phải được hưởng quyền bình đẳng như nhau, từ giáo dục mầm non đến trung học, tại nơi làm việc và trong đời sống xã hội.

Bà Angela Merkel nhấn mạnh Luật cơ bản của Đức trong những năm qua đã đảm bảo sự gắn kết xã hội bằng cách thúc đẩy hội nhập và bảo vệ sự đa dạng xã hội. Đây cũng là lời giải đáp cho những thắc mắc về việc làm thế nào để hơn 80 triệu người có thể sinh sống với nhau một cách hòa bình tại Đức.

Theo các số liệu thống kê mới nhất, khoảng 1/4 trong tổng số 82 triệu người đang sinh sống tại Đức có nguồn gốc nhập cư, trong đó có gần 4,7 triệu người Hồi giáo và 3 triệu người gốc Thổ Nhĩ Kỳ.

Khi những tư tưởng dân túy cực đoan và chủng tộc thượng đẳng chưa bị xóa bỏ, cuộc đấu tranh để xây dựng một thế giới, nơi mọi con người sinh ra đều tự do và bình đẳng về phẩm giá và quyền lợi, cũng như có tiềm năng để đóng góp mang tính xây dựng cho sự phát triển và thịnh vượng của xã hội, sẽ là một chặng đường dài đòi hỏi nhiều nỗ lực chung hơn nữa.

Tin cùng chuyên mục