Một điểm sạt lở tại huyện Châu Phú (tỉnh An Giang). Ảnh: CTV |
Ngày 5-7, ông Lương Huy Khanh, Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Ứng phó biến đổi khí hậu – Phòng, chống thiên tai và Phòng thủ dân sự tỉnh An Giang cho biết, đơn vị đang tiếp tục phối hợp các ban, ngành và địa phương rà soát, theo dõi, cập nhật tình hình thiệt hại do rạn nứt, sụt lún đất bờ sông, kênh, rạch trên địa bàn huyện Chợ Mới và huyện Châu Phú.
Cụ thể, trên tuyến đường bờ Nam kênh Đào (ấp Mỹ Chánh, xã Mỹ Đức, huyện Châu Phú) đã xảy ra sạt lở tại vị trí tiếp giáp với đoạn sạt lở cũ. Tổng chiều dài sạt lở khoảng 5m, ăn sâu vào mặt đê 2,5m, sụp xuống khoảng 0,02m. Sạt lở gây ảnh hưởng 1 lán trại (không có người ở) trên tuyến đường bờ Nam kênh Đào.
Tiếp đó, trên tuyến kênh Mương Sung (thị trấn Hội An, huyện Chợ Mới) đã xảy ra rạn nứt, sụt lún đất; tổng chiều dài khoảng 45m. Nguyên nhân xác định ban đầu do ảnh hưởng của dòng chảy, mái ta-luy đường thẳng đứng và ảnh hưởng của những đợt mưa đã phá hoại kết cấu đất, các phương tiện giao thông thủy qua lại trên tuyến đã gây sụp lún đất bờ sông, kênh, rạch.
Trước tình hình trên, Ban Chỉ huy Ứng phó biến đổi khí hậu – Phòng, chống thiên tai và Phòng thủ dân sự huyện Châu Phú cùng huyện Chợ Mới đã đến khảo sát, chỉ đạo lực lượng xung kích, công an, quân sự, ban ngành đoàn thể xã cùng ban ấp đến hỗ trợ đốn hạ các cây cao to, giăng dây và cắm biển, treo đèn cảnh báo tại khu vực sạt lở, sụp lún để cảnh báo, hạn chế các phương tiện tham gia giao thông và người dân qua lại khu vực.
Liên tục trong những ngày qua, trên địa bàn các huyện Châu Phú, Chợ Mới, Thoại Sơn xảy ra 5 vụ sạt lở bờ sông. Còn tính từ đầu năm tới nay, trên địa bàn tỉnh An Giang xảy ra ít nhất 45 điểm sạt lở, tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2022.