An Giang thu hút đầu tư, quảng bá du lịch tại TPHCM

Ngày 26-11, tại TPHCM, UBND tỉnh An Giang tổ chức Hội nghị giới thiệu tiềm năng đầu tư và quảng bá sản phẩm đặc trưng trên địa bàn tỉnh.

Người dân, du khách vía Bà Chúa Xứ núi Sam (Châu Đốc, An Giang)
Người dân, du khách vía Bà Chúa Xứ núi Sam (Châu Đốc, An Giang)

Tham dự có Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Thị Bích Ngọc; Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Hồ Văn Mừng; Chủ tịch HĐND tỉnh An Giang Lê Văn Nưng…

Ông Hồ Văn Mừng cho biết, địa phương có nhiều lợi thế tự nhiên, tiềm năng sẵn có được bồi đắp qua nhiều thế hệ. Mục tiêu phát triển từ nay đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050, tỉnh An Giang tập trung vào các lĩnh vực trọng tâm gồm kinh tế nông nghiệp, phát triển du lịch và kinh tế biên mậu. Tỉnh định hướng trở thành trung tâm lúa gạo và thủy sản nước ngọt vùng đồng bằng sông Cửu Long.

An Giang quảng bá đặc sản.jpg
Các đại biểu tìm hiểu đặc sản tại tỉnh An Giang

Theo bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, tỉnh An Giang muốn phát triển kinh tế - xã hội, trước hết cần đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại với các tỉnh lân cận, đặc biệt là kêu gọi đầu tư tại TPHCM - đầu tàu của vùng kinh tế phía Nam. Tỉnh cần tạo điều kiện để các nhà đầu tư, doanh nghiệp, tổ chức quốc tế tìm hiểu về cơ chế, chính sách ưu đãi và môi trường đầu tư của tỉnh…

Nghệ nhân trình diễn nghề dệt thổ cẩm truyền thống.jpg
Nghệ nhân Chăm với nghề dệt truyền thống

Dịp này, tỉnh An Giang đã chọn lọc hơn 60 dự án trọng điểm, ưu tiên đầu tư trên tất cả 6 lĩnh vực (hạ tầng giao thông; thương mại, dịch vụ, du lịch…) để mời gọi các nhà đầu tư chiến lược đồng hành cùng với tỉnh.

Theo báo cáo của UBND tỉnh An Giang, lũy kế từ đầu năm đến ngày 7-11-2024, số doanh nghiệp gia nhập thị trường trên toàn tỉnh ước là 1.061 doanh nghiệp, tăng 8,49%. Về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), tỉnh hiện có 36 dự án FDI, với tổng vốn đăng ký đầu tư 261 triệu USD, tổng vốn thực hiện là 178 triệu USD, tạo việc làm cho 16.800 lao động.

Tin cùng chuyên mục