Ông Phạm Thành Nhơn, Chủ tịch UBND thị xã Tịnh Biên (tỉnh An Giang) cho biết, ngay khi vụ việc xảy ra, UBND thị xã đã chỉ đạo Ban Quản lý Dự án Đầu tư Xây dựng khu vực Tịnh Biên, UBND xã An Hảo phối hợp cùng Ban Quản lý Khu Du lịch Núi Cấm khảo sát thực tế để đánh giá mức độ thiệt hại ban đầu.
Qua ghi nhận thực tế ban đầu, vụ sạt lở đã làm hư hỏng mái taluy đường, hộ lan cứng và làm sập rào chắn lưới chắn B40, khu vực ảnh hưởng có diện tích (ngang 20m, dài theo mái dốc khoảng 40m, khối lượng đất đá khoảng 50m3), giao thông bị ảnh hưởng. Hiện, đất, đá bị sạt tràn ra một nửa chiều ngang tuyến đường lên đỉnh Núi Cấm; xung quanh khu vực sạt lở, nước từ đỉnh núi liên tiếp đổ về với khối lượng lớn.
Vị trí sạt lở đường lên Núi Cấm. Ảnh: CTV |
Theo UBND thị xã Tịnh Biên, khảo sát của Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng khu vực thị xã Tịnh Biên và UBND xã An Hảo cho thấy, trên Núi Cấm hiện có 397 vị trí có nguy cơ cao về sạt lở đất, đá.
Để đảm bảo an toàn, lãnh đạo UBND thị xã Tịnh Biên cho biết đã đề nghị UBND tỉnh An Giang cho tạm dừng các phương tiện lưu thông lên, xuống Núi Cấm trong 4 ngày, để các đơn vị chuyên môn xử lý khẩn cấp khối lượng đất đá sạt lở. Đồng thời, có chủ trương thực hiện dự án xử lý khẩn cấp, ngăn chặn sạt lở đất đá dọc hai bên tuyến đường chính lên, xuống Núi Cấm; tổ chức cưỡng chế, xử lý dứt điểm các công trình, homestay xây dựng và kinh doanh trái phép trên Núi Cấm.