Sáng 4-9, Cục Quản lý thị trường tỉnh An Giang tổ chức buổi đối thoại với các doanh nghiệp đầu mối, thương nhân phân phối về một số nội dung liên quan tình hình kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh.
Ghi nhận tại một số địa phương ở Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, các cây xăng lẻ bắt đầu bán giới hạn xăng A95-RON III; dầu diesel cũng giới hạn khi xe ôtô chỉ bán 300.000 đồng/xe.
Ông Hồng Phong, Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty TNHH MTV xăng dầu An Giang (Petrolimex An Giang) cho biết, qua 8 tháng đầu năm, tình hình kinh doanh xăng dầu của cả nước nói chung và An Giang nói riêng diễn biến bất thường. Có thể nói đây là năm rất khó khăn với doanh nghiệp (không chỉ là thương nhân nhượng quyền và tất cả các đầu mối nhập khẩu) trước biến động giá cả lên xuống bất thường.
“Điểm qua có 2 giai đoạn, giai đoạn 6 tháng đầu năm tăng, giảm đan xen (tăng là chủ yếu). Đến thời điểm “đỉnh điểm” giá xăng tăng hơn 33.000 đồng, giá dầu hơn 30.000 đồng. Trong chu kỳ 6 tháng đầu năm có một vấn đề xảy ra là việc đứt gãy nguồn cục bộ trong dịp trước, trong và sau Tết (do cắt giảm nguồn cung của 2 nhà máy lọc dầu) làm cho các đầu mối không kịp trở tay để tạo nguồn.
Chính vì vậy, dịp Tết là sự khủng hoảng của cơ quan quản lý nhà nước cũng như các doanh nghiệp đầu mối. Cho mãi đến vài tháng sau tình hình mới được ổn trở lại. Chu kỳ tiếp theo (từ tháng 7 đến nay), giá xăng, dầu giảm liên tục cho đến ngày 11-8, giá xăng chỉ còn 25.340 đồng; dầu là 22.900 đồng (giá vùng 1). Khi giá giảm thì tất cả các đầu mối lỗ liên tiếp. Đây cũng là hệ lụy làm đứt gãy nguồn cung”, ông Phong nhận định.
Phát biểu tại buổi đối thoại, ông Huỳnh Ngọc Hồ, quyền Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh An Giang cho biết, cơ quan này đang thực hiện chỉ đạo khẩn của Thứ trưởng Bộ Công Thương và Tổng Cục Quản lý thị trường về việc xử lý các trường hợp có dấu hiệu vi phạm đối với các cửa hàng kinh doanh xăng dầu trên địa bàn.
Ông Huỳnh Ngọc Hồ cho biết thêm, theo chỉ đạo của Bộ Công thương, khi phát hiện cửa hàng nào thiếu hoặc hết xăng dầu, các cục quản lý thị trường phải làm rõ nguyên nhân. Cụ thể, nếu có dấu hiệu thương nhân cung cấp xăng dầu (thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối, tổng đại lý) không đáp ứng đủ hàng theo yêu cầu của đại lý, thương nhân nhận nhượng quyền thì phải làm việc với thương nhân cung ứng, có đối chiếu lượng hàng nhập, xuất; lượng cung ứng tháng trước so với tháng này cho đại lý, thương nhân nhận quyền bán lẻ để làm rõ do thương nhân cung ứng xăng dầu cấp hàng thiếu, do cửa hàng bán lẻ đặt hàng ít hơn, do nhu cầu tiêu dùng tăng cao hay do nguyên nhân nào khác.
Trường hợp các doanh nghiệp cung cấp xăng dầu ở tỉnh/thành khác thì phối hợp với cục quản lý thị trường nơi đặt trụ sở chính để làm rõ. Kết quả làm việc, nếu phát hiện các doanh nghiệp cung ứng xăng dầu (thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối) không cung ứng đủ hàng, phải báo cáo Tổng cục Quản lý thị trường để thông báo đến Vụ Thị trường trong nước phối hợp báo cáo Bộ trưởng xử lý tiếp theo... nhất là yêu cầu việc truy lý do các cửa hàng đóng cửa. Các cục sau khi lập biên bản phải cố gắng làm việc với các đại lý, thương nhân phân phối, thương nhân nhượng quyền bằng chứng từ, đơn đặt hàng, lệnh giao hàng, hóa đơn… để tìm ra lý do vì sao hết xăng, dầu mà báo cáo không thiếu hàng.