Dù đã được duyệt quy hoạch tổng thể nhưng nhiều chủ đầu tư dự án vẫn cố tình không thực hiện đầy đủ các hạng mục, nhất là các công trình công cộng. Nhiều dự án sai phạm kéo dài cả chục năm vẫn chưa khắc phục, không chỉ gây thiệt hại cho người dân mà còn phá vỡ quy hoạch, nghiêm trọng hơn là tạo ra tiền lệ xấu cho việc chấp hành các quy định pháp luật.
Dự án “treo” 20 năm
Khu công nghiệp (KCN) Lê Minh Xuân đi vào hoạt động, hiện đã cho thuê 100% diện tích nhà xưởng, chủ đầu tư của KCN này là Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Bình Chánh (BCCI) tiếp tục xin thêm đất mở rộng KCN. Tuy nhiên, ít ai biết rằng KCN Lê Minh Xuân hiện hữu thực ra vẫn chưa hoàn thành việc đầu tư dự án vì chưa xong công tác giải phóng mặt bằng.
Theo Sở Quy hoạch - Kiến trúc TPHCM, năm 1997, Bộ Xây dựng đã phê duyệt quy hoạch chi tiết KCN Lê Minh Xuân, diện tích 100ha; trong đó có 7ha đất cây xanh cách ly, nhưng cho đến nay phần diện tích này vẫn chưa được bồi thường, giải phóng mặt bằng. Có khoảng 140 hộ dân thuộc 2 xã Tân Nhựt và Lê Minh Xuân (huyện Bình Chánh) sống trong diện tích quy hoạch làm cây xanh cách ly, những quyền lợi cơ bản về sử dụng đất như cấp giấy chứng nhận, xây dựng, tách thửa cho con, chuyển nhượng… đều không thực hiện được.
Không chỉ bị hạn chế quyền sử dụng đất, môi trường sống của các hộ dân ở đây cũng không đảm bảo khi phải nằm cùng khuôn viên của một KCN với hàng ngàn cơ sở sản xuất, hàng ngày chịu sự “tra tấn” của mùi hôi, tiếng ồn, nước thải… Trong khi đó, theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường cũng như quy chuẩn của ngành xây dựng thì KCN phải có hành lang cây xanh cách ly và cách khu dân cư ít nhất 300m, nhằm giảm thiểu tác động của ô nhiễm môi trường, đảm bảo sức khỏe của người dân khu vực lân cận.
BCCI: Làm 24 dự án, vi phạm 23
Không chỉ KCN, các dự án nhà ở của BCCI cũng gây nhiều bức xúc cho cộng đồng. Sở Xây dựng đã tiến hành thanh tra và kết luận trong số 24 dự án nhà ở do BCCI làm chủ đầu tư tại quận Bình Tân và huyện Bình Chánh có đến 23 dự án vi phạm. Đơn cử như chỉ có 13 dự án hoàn tất công tác giải phóng mặt bằng, chỉ có 14 dự án đầu tư hệ thống thoát nước và giao thông nội bộ, chỉ có 3 dự án xây dựng hoàn chỉnh công viên cây xanh - thể dục thể thao (nhưng chủ đầu tư không quản lý tu bổ nên đã xuống cấp), 13 dự án chỉ đầu tư một phần hoặc chiếm dụng diện tích quy hoạch công viên cây xanh - thể dục thể thao để cho thuê kiếm lời.
Ngay cả các công trình hạ tầng phục vụ an sinh xã hội như nhà trẻ, trường học, trạm y tế, khu thương mại… cũng chỉ có 5 dự án được đầu tư hoàn chỉnh. Hầu hết các vi phạm để lâu đã “hóa bùn” nên không xử phạt được vi phạm hành chính mà chỉ có thể khắc phục hậu quả, nhưng việc khắc phục cũng diễn ra chậm chạp khiến người dân bức xúc.
Ông Nguyễn Minh Nhựt, Phó Chủ tịch UBND quận Bình Tân, cho biết trên địa bàn quận có 18 dự án nhà ở do BCCI đầu tư chưa hoàn thành về công trình công cộng, trong đó có 48 hạng mục công viên cây xanh - thể dục thể thao và 38 hạng mục công trình công cộng. Các sai phạm chủ yếu: chưa giải phóng mặt bằng phần diện tích làm công trình công cộng, chưa bàn giao công trình công cộng, sử dụng sai mục đích (làm sân tennis, sân bóng, nhà hàng ăn uống…). Vừa qua, BCCI đã đầu tư hoàn thiện một số hạng mục công trình công cộng và lấy lại những diện tích công viên cây xanh sử dụng không đúng mục đích, bàn giao cho quận quản lý, gồm 35 hạng mục công viên cây xanh - thể dục thể thao và 26 hạng mục công trình công cộng. Ngoài ra, 2 hạng mục trường mẫu giáo tại Khu dân cư Nam Hùng Vương - Bắc Trần Văn Kiểu và Khu dân cư Nhất Lan, chủ đầu tư xin bàn giao đất trống và chuyển chi phí xây dựng để quận tự đầu tư; hạng mục thương nghiệp dịch vụ và nhà trẻ mẫu giáo tại 2 dự án tiểu khu 1 và 2 phía Tây Tên Lửa thì BCCI đang xin UBND TP chủ trương được xã hội hóa đầu tư.
Theo ông Nguyễn Minh Nhựt, vấn đề khó nhất hiện nay là 4 dự án chưa hoàn tất bồi thường nhưng thương lượng giữa người dân và BCCI liên tục bất thành, bởi lẽ giá đất trên thị trường ngày càng cao, còn chủ đầu tư thì không chấp nhận mức giá do người dân đưa ra. Mới đây, UBND quận đã làm việc cùng chủ đầu tư để tìm ra giải pháp tháo gỡ.
“Cuộc họp thống nhất là BCCI ký hợp đồng với Ban bồi thường giải phóng mặt bằng của quận để thẩm định và đưa ra mức giá phù hợp, khách quan. Chủ đầu tư sẽ dùng mức giá này để thương lượng với người dân. Chúng tôi hy vọng thương lượng lần này sẽ có hiệu quả để thúc đẩy nhanh quá trình giải phóng mặt bằng, hoàn thành những hạng mục công trình công cộng trong các dự án để đảm bảo an sinh, đời sống cho người dân và địa phương cũng giảm được áp lực về hạ tầng”, ông Nhựt nói.